Câu chuyện cơ cấu và hỗ trợ nhau giữa các tuyến trẻ Việt Nam và Indonesia có gì đó đáng để so sánh.
Với U-22 Indonesia, HLV người Tây Ban Nha, ông Milla Aspas, không cần gọi nhiều trợ lý từ các tuyến khác của tuyển lên giúp việc mà ông chỉ mong họ làm tốt vai trò “săn lùng” và giới thiệu mà thôi. Còn nếu mời gọi các HLV các đội tuyển khác lên hợp tác thì thực tế rất khó làm vì chuyện tế nhị, chuyên môn, quan điểm… mà ai cũng có cái lý của mình.
Bản thân HLV Milla Aspas xây dựng đội U-22 mạnh bằng cách gọi năm cầu thủ hay nhất của đội tuyển quốc gia như tiền vệ Lilipaly, tiền đạo Bachdim, thủ môn Meiga… khoác áo U-22 vừa đá vừa truyền kinh nghiệm cho đàn em trong giai đoạn chuẩn bị ba mục tiêu tới đây của đội U-22 Indonesia.
Bóng đá Indonesia thuận lợi hơn trong việc tập trung nguồn lực. Ảnh: GETTY IMAGES
Tuyến dưới của Indonesia, HLV Sjafri của U-19 giới thiệu những gương mặt giỏi lên U-22, khác với việc U-20 Việt Nam sau khi làm nhiệm vụ World Cup trẻ về thế là ồ ạt sáu cầu thủ trẻ lên đội U-22.
Ngoài việc tiền đạo nhập tịch Walian Erza (lò Ajax) thuộc biên chế U-19 Indonesia đã lên U-22 thì HLV Sjafri vừa giới thiệu thêm tiền đạo Egy Maulana (16 tuổi) đang trong biên chế U-19 lên U-22. HLV Milla Aspas đã quan sát tiền đạo này và thu nạp ngay vì chuyên môn rất tốt.
Trong khi đó HLV Nguyễn Hữu Thắng cứ bị rối vì “dồn toa”, còn các trợ lý về giúp việc cho mình rồi giờ chót xin đi khiến HLV này sẽ phải vừa bơi vừa chữa cháy với công việc ngập đầu ở cả đội tuyển lẫn U-22. Chẳng hạn như từ ngày 19 đến 23-7, HLV Nguyễn Hữu Thắng dẫn dắt U-22 đá vòng loại châu Á tại TP.HCM thì cùng thời gian ở Bangkok (Thái Lan) ba đối thủ U-22 Thái Lan, U-22 Malaysia và U-22 Indonesia cũng tề tựu về cùng bảng H, cũng đá vòng loại U-23 châu Á. Chẳng có ai giúp HLV Nguyễn Hữu Thắng sang Thái Lan làm “điệp viên” tiếp nhận thông tin ba đối thủ quan trọng trên cho chiến dịch SEA Games 29.
Cùng mục tiêu vàng nhưng rõ ràng ta có những bước hụt chân so với đối thủ được cộng hưởng và hợp tác nhiều hơn cho đích đến SEA Games.