Ngày 13-7, TAND TP Cần Thơ đưa ra xử phúc thẩm vụ kiện hành chính giữa người khởi kiện là bà C., người bị kiện là UBND quận Bình Thủy do có kháng cáo của bà C.
Theo hồ sơ, trong đơn khởi kiện của bà C. trình bày, ngày 17-4-2014, UBND quận Bình Thủy ban hành Quyết định 1141 về việc thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà được UBND quận Bình Thủy cấp năm 2007 (gọi tắt là Quyết định 1141). Do đó, bà làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án quận Bình Thủy hủy bỏ Quyết định 1141.
Quyết định 1141 của UBND quận Bình Thủy bị TAND TP Cần Thơ tuyên hủy ngày 13-7. Ảnh: NN
Theo bà C., UBND quận Bình Thủy không có thẩm quyền giải quyết đối với đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là giấy đỏ) theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai 2003. Bà được cấp giấy đỏ năm 2007 xuất phát từ việc cha mẹ tặng cho bà. Việc tặng cho này là hợp pháp, đúng quy định pháp luật nên được UBND quận Bình Thủy cho chuyển đổi từ giấy đỏ đứng tên cha mẹ bà năm 2005 sang giấy đỏ đứng tên bà năm 2007. Cho đến nay, chưa có cơ quan nào tuyên bố hủy bỏ hợp đồng tặng cho này và cũng như chưa hủy giấy đỏ đã cấp cho cha mẹ bà nên UBND quận Bình Thủy không thể thu hồi và hủy bỏ giấy đỏ đã cấp cho bà…
Xử sơ thẩm vào tháng 8-2017, TAND quận Bình Thủy đã bác yêu cầu khởi kiện của bà C. Sau đó bà C. kháng cáo xin hủy án sơ thẩm để xét xử lại, nếu không hủy án sơ thẩm thì chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà.
Tại phiên tòa ngày 13-7, HĐXX phúc thẩm nhận định về yêu cầu kháng cáo xin hủy án sơ thẩm vì các vi phạm về tố tụng như không tiến hành đối thoại là không chính xác, không đưa Phòng TN&MT, UBND phường vào tham gia giải quyết là không cần thiết… Từ đó, tòa phúc thẩm cho rằng yêu cầu kháng cáo của người khởi kiện yêu cầu hủy bản án sơ thẩm là không có căn cứ. Tòa phúc thẩm chỉ xét yêu cầu kháng cáo của bà C. xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính (Quyết định 1141).
Theo tòa phúc thẩm, báo cáo của Phòng TN&MT quận Bình Thủy xác định việc cấp giấy đỏ của cha mẹ bà C. và cha mẹ bà C. tặng cho quyền sử dụng đất này cho bà C. là trái pháp luật nhưng cũng đồng thời nhận định: Bà C. nhận ngay tình, hợp pháp và việc cấp giấy đỏ cho bà C. là đúng trình tự theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đối chiếu với Điều 129 Luật Đất đai 2003 và Điều 99 Nghị định 181 thì việc nhận quyền sử dụng đất của bà C. thông qua hợp đồng tặng cho là hợp pháp. Do đó, khẳng định của Phòng TN&MT quận Bình Thủy về việc trình tự cấp giấy đỏ của bà C. đúng pháp luật là nhận định chính xác. Nếu giấy đỏ cấp cho bà C. là đúng luật thì không có căn cứ để thu hồi giấy đỏ của bà C. Bởi lẽ giấy đỏ của bà C. và giấy đỏ của cha mẹ bà là hai giấy chứng thư pháp lý độc lập được giải thích theo Luật Đất đai.
Theo trình bày của các bên, cùng một mảnh đất nhưng có hai giấy đỏ được cấp. Các bên đang có tranh chấp quyền sử dụng đất, hiện nay do TAND quận Bình Thủy đang thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Như vậy, quyền sử dụng đất nêu trên thuộc về bà C. hay thuộc về vợ chồng ông Đ., bà P. thì sẽ được xác định trong việc giải quyết vụ án dân sự vì bản chất tranh chấp của các bên là tranh chấp dân sự. Khi đó, cơ quan hành chính căn cứ kết quả giải quyết vụ án để cấp, điều chỉnh, đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013...
Từ đó, tòa phúc thẩm cho rằng Quyết định 1141 của UBND quận Bình Thủy là không hợp pháp vì trình tự cấp giấy đỏ cho bà C. là không trái pháp luật và tranh chấp của vụ án trên là tranh chấp dân sự. Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà C. là chưa chính xác, cần sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện về việc hủy Quyết định 1141.