Sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được xác định chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024, Ukraine và các quốc gia phương Tây đã nhanh chóng lên kế hoạch ứng phó trước sự bất định tiềm tàng trong chính sách của Nhà Trắng trong 4 năm tới, hãng tin Reuters cho hay.
Kiev hy vọng nền hoà bình công bằng sẽ tới gần hơn với Ukraine
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky hôm 6-11 đã nhanh chóng viết thông điệp chúc mừng trên mạng xã hội X và gọi điện để chúc mừng “chiến thắng vang dội mang tính lịch sử” của ông Trump. Hai bên thống nhất sẽ duy trì đối thoại và thúc đẩy hợp tác.
Ông Zelensky cho biết chính quyền Kiev kỳ vọng “kỷ nguyên của một nước Mỹ hùng mạnh dưới sự lãnh đạo quyết đoán của Tổng thống [đắc cử] Trump” và “sự ủng hộ mạnh mẽ liên tục của lưỡng đảng Mỹ dành cho Ukraine”.
“Tôi đánh giá cao cam kết của Tổng thống [đắc cử] Trump đối với cách tiếp cận ‘hòa bình thông qua sức mạnh’ trong các vấn đề toàn cầu. Đây chính xác là nguyên tắc thực tế có thể đem hòa bình công bằng đến gần hơn với Ukraine. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện nguyên tắc này” – ông Zelensky viết.
Tổng thống Ukraine nhấn mạnh Kiev tin tưởng sự lãnh đạo mạnh mẽ và kiên định tại Washington trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump là “điều cần thiết cho thế giới và cho một nền hòa bình công bằng” mà ở đó, “nước Mỹ mạnh mẽ, Ukraine mạnh mẽ và các đồng minh mạnh mẽ” trong cuộc đối đầu với Nga.
Mỹ đang là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Kiev trong cuộc xung đột đã kéo dài gần 3 năm ở miền đông Ukraine và đang dẫn đầu các nỗ lực nhằm cô lập Nga về mặt ngoại giao và tài chính quốc tế.
Dù vậy, Kiev tỏ ra không hài lòng với Washington do chậm trễ trong việc phê duyệt các gói vũ khí cung cấp cho Ukraine và duy trì các ràng buộc khắt khe về việc sử dụng tên lửa có xuất xứ Mỹ tấn công vào các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.
Nghị sĩ Yaroslav Zheleznyak thuộc phe đối lập trong quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) hy vọng rằng giai đoạn chuyển giao quyền lực từ nay tới khi ông Trump nhậm chức (tháng 1-2025) có thể là “cơ hội” để Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden thực hiện “những bước đi táo bạo” về vấn đề này.
Nghị sĩ Oleksandra Ustinova - người đứng đầu Ủy ban về vũ khí và đạn dược trong quốc hội Ukraine - cho rằng các vị trí ngoại giao, an ninh và quốc phòng hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump sẽ “là những người sẽ quyết định số phận của Ukraine” trong cuộc xung đột với Nga.
Bà Ustinova dự đoán rằng cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền tương lai của ông Trump, song lưu ý rằng Kiev sẵn sàng làm việc với tất cả các bên ở Washington.
Nhà phân tích chính trị Ukraine Volodymyr Fesenko lo ngại rằng ông Trump có thể chấp nhận “một số nhượng bộ” trước Nga và thúc đẩy các cuộc đàm phán nhanh chóng để chấm dứt chiến sự. Điều này sẽ đi ngược lại mong muốn của Kiev.
Tuy nhiên, ông Trump sẽ không chỉ đơn giản là đồng ý các điều kiện hoà bình do phía Nga đưa ra “vì điều này sẽ giống như một thất bại cho Mỹ” - ông Fesenko phân tích.
Pháp, Đức kêu gọi thống nhất trước nguy cơ chia rẽ trong EU
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chúc mừng chiến thắng của ông Trump, song nhấn mạnh những thách thức do các chính sách bị cho là mang màu sắc bảo hộ về thương mại và biệt lập về chính trị của ông Trump.
Ông Scholz nói rằng “Liên minh châu Âu (EU) phải sát cánh cùng nhau và hành động theo cách thống nhất”. Còn ông Macron viết trên mạng xã hội X rằng Berlin và Paris sẽ hợp tác vì một châu Âu thống nhất và mạnh mẽ hơn trong “bối cảnh mới” trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbook kêu gọi các nước đồng minh “nghĩ lớn và đầu tư lớn vào an ninh châu Âu” sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử ở Mỹ.
Bộ trưởng quốc phòng của Pháp và Đức đã họp tại Paris ngay trong tối 6-11. Hai quan chức này kêu gọi châu Âu cần chuẩn bị cho những thay đổi có thể xảy ra trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius dự đoán rằng ông Trump có thể hướng “sự chú ý” về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - nơi Trung Quốc được coi là mối quan tâm chiến lược hàng đầu của Mỹ. Do đó châu Âu cần hành động để lấp đầy khoảng trống mà Washington để lại trong khu vực Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, việc đạt được sự thống nhất trong EU là một thách thức, nhất là khi xét những bất đồng giữa chính Pháp và Đức trong những năm gần đây liên quan vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng, căng thẳng thương mại và nhiều vấn đề khác.
Các chuyên gia tại trung tâm phân tích chính sách Eurointelligence lưu ý rằng châu Âu “chưa chuẩn bị cho tác động kinh tế của việc tăng thuế quan, nguy cơ thay đổi quan điểm về vấn đề Ukraine và các tối hậu thư về chi tiêu quốc phòng” và có thể sẽ “chia rẽ” khi chính quyền tương lai của ông Trump thực hiện các chính sách như vậy.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã chúc mừng ông Trump thắng cử và nhấn mạnh việc tránh các cuộc chiến thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương sẽ phù hợp với lợi ích của cả Mỹ và châu Âu.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte cũng đã chúc mừng và hy vọng vào tương lai hợp tác tốt đẹp trong khối trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump.
Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Chính trị châu Âu, các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp tại Budapest (Hungary) trong ngày 7-11. Một nhà ngoại giao châu Âu nói với Reuters rằng kết quả cuộc họp sẽ là cơ hội đầu tiên để các nước EU trao đổi quan điểm liên quan tương lai quan hệ Mỹ-EU dưới thời chính quyền tương lai của ông Trump.