Ngày 19-3, trả lời kênh truyền hình KNSD ở San Diego (bang California), Tổng thống Obama tuyên bố: “Chúng tôi không tiến hành can thiệp quân sự vào Ukraine”.
Ông cho biết Mỹ sẽ sử dụng nguồn lực ngoại giao để hình thành một liên minh quốc tế vững chắc nhằm gây sức ép với Nga. Ông ghi nhận ngay chính Ukraine cũng thừa nhận đối đầu với Nga bằng phương tiện quân sự là không phù hợp và không có lợi cho Ukraine.
Tại Ukraine ngày 20-3, Quốc hội đã thông qua nghị quyết khẳng định Ukraine sẽ không ngừng chiến đấu để giải phóng Crimea. Nghị quyết đề nghị cộng đồng quốc tế không thừa nhận Crimea và Sevastopol sáp nhập vào Nga.
Hôm 19-3, Ukraine đã ban bố hàng loạt quyết định: Đề nghị LHQ ban bố vùng phi quân sự ở bán đảo Crimea và có biện pháp cần thiết để Nga rút quân khỏi Crimea; thực hiện chế độ cấp visa với công dân Nga; rút khỏi tổ chức Cộng đồng các quốc gia độc lập (gồm 11 nước thuộc Liên Xô cũ) do Nga đứng đầu; sơ tán toàn bộ binh sĩ đồn trú tại bán đảo Crimea và gia đình.
Binh lính Ukraine tại khu vực giáp giới Crimea. Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), Ukraine rút hết quân khỏi Crimea nhằm bổ sung quân cho khu vực giáp giới với Nga.
Tại bán đảo Crimea, ngày 20-3, lực lượng tự vệ đã phóng thích tư lệnh hải quân Sergei Gaiduk. Trước đó, lực lượng tự vệ đã kiểm soát hoàn toàn bộ chỉ huy hải quân Ukraine ở Sevastopol mà không cần nổ súng, đồng thời bắt giữ tư lệnh Sergei Gaiduk.
Đài Tiếng nói Moscow cho biết tòa án Sevastopol đã ra phán quyết bắt giữ tư lệnh Sergei Gaiduk để thẩm vấn vì ông đã phổ biến lệnh của chính quyền Ukraine cho phép các đơn vị Ukraine sử dụng vũ khí chống lại dân thường.
Chính quyền Ukraine đã ra tối hậu thư yêu cầu trả tự do cho các con tin trong vòng ba tiếng, nếu không Ukraine sẽ trả đũa thích đáng.
Sau căn cứ hải quân ở Sevastopol, lực lượng tự vệ đã chiếm căn cứ hải quân Ukraine ở Novoozerne, cách Simferopol khoảng 30 km. Các binh sĩ Ukraine ở đây đã bàn giao căn cứ với thái độ hợp tác.
Trong khi đó, các nước phương Tây tiếp tục trả đũa Nga sau khi Crimea sáp nhập vào Nga.
Ngày 20-3, Bộ Kinh tế Đức tuyên bố ngừng hợp tác giữa tập đoàn vũ khí Rheinmetall AG của Đức với Nga. Tập đoàn này đã ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga xây dựng trung tâm huấn luyện bộ binh ở Mulino (Nga). Trước đó, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel thông báo ngừng mọi thương vụ vũ khí với Nga.
Thụy Sĩ thông báo ngừng đàm phán về tự do thương mại với tổ chức Liên minh thuế quan do Nga đứng đầu. Na Uy thông báo hủy chuyến thăm Nga của bộ trưởng Môi trường.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Nga sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt với Mỹ tương ứng như Mỹ đối xử với Nga. Ngày 20-3, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov thông báo nếu Pháp không bán hai tàu chiến Mistral cho Nga thì phải bồi thường vì trong hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm hợp đồng.
HOÀNG DUY
Ngày 20-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo tiến trình pháp lý về thực hiện hiệp định sáp nhập Cộng hòa Crimea và TP Sevastopol vào Nga sẽ hoàn tất trước tuần tới. Ngân hàng trung ương Nga đã in nhiều loại tiền đồng mới để mừng sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin tuyên bố sẽ xây dựng một cây cầu nối liền giữa Nga với Crimea dành cho xe ô tô và tàu hỏa. Kinh phí ước tính 3 tỉ USD. Hiện thời chỉ có đường thủy qua eo biển Kerch (rộng 4,5 km) giữa biển Azov và biển Đen là con đường duy nhất nối liền Crimea với Nga. |