Ngày 23-7, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho biết vừa tiếp nhận 2 bệnh nhi VL (3 tuổi) và MH (18 tháng tuổi) là 2 anh em ruột nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều.
Qua thăm khám, xét nghiệm cận lâm sàng và khai thác tiền sử sử dụng thuốc, các bác sĩ (BS) chẩn đoán trẻ bị ngộ độc Vitamin D - suy thận cấp do uống vitamin D quá liều thời gian dài.
|
Hiện tình trạng sức khỏe các bệnh nhi đã tạm ổn, đang được theo dõi thêm. Ảnh: BVCC |
Gia đình cho biết, mong muốn con phát triển khoẻ mạnh, không bị còi xương nên đều đặn cho 2 bé uống vitamin D mỗi ngày từ sau sinh.
Bà của các cháu thấy cháu thích uống vitamin D, nghĩ thuốc bổ uống nhiều không sao, nên thay vì cho uống theo liều lượng quy định lại để cháu uống tùy thích một thời gian dài.
Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, 2 bé đều xuất hiện tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8-9 lần/ngày.
Tại BV Nhi Trung ương, sau khi được làm các xét nghiệm cần thiết, kết quả cho thấy 2 bệnh nhi đều bị tăng canxi máu, tăng canxi niệu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, nồng độ PTH giảm, thận hai bên nhu mô tăng âm.
Sau 1 tuần ngưng sử dụng vitamin D và các chế phẩm có vitamin D, đồng thời được truyền dịch, hiện tình trạng 2 bệnh nhi đã tạm ổn định, không còn nôn và đau bụng, đang được theo dõi thêm.
ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc, Khoa Thận – lọc máu, BV Nhi Trung ương, cho biết: “Vitamin D là chất khoáng có vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi giúp xương chắc khỏe. Vitamin D có trong thức ăn rất ít, chủ yếu được tổng hợp do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc cung cấp qua đường uống. Nhiều phụ huynh mong muốn con cao lớn nên bổ sung cho con từ nhỏ. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin D liều cao kéo dài lại chính là nguy cơ tiềm tàng cho ngộ độc nếu sử dụng không đúng chỉ dẫn về liều lượng".
Cũng theo BS Ngọc, ngộ độc vitamin D là tình trạng hiếm gặp, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nặng nề.
Trẻ bị ngộ độc vitamin D thường có các triệu chứng của tăng canxi máu như ăn kém, giảm cân, đau bụng, nôn, táo bón, uống nhiều, đái nhiều, nặng hơn có thể gây mất nước đe dọa tính mạng.
Khi nồng độ canxi vượt quá ngưỡng của ống thận sẽ gây ra sự kết tủa của canxi trong ống thận và vôi hóa tháp thận. Sự mất nước, giảm mức lọc cầu thận và vôi hóa tháp thận có thể làm tổn thương chức năng thận trong nhiễm toan ống thận và suy thận.