Ủy ban của Quốc hội khảo sát phục vụ thẩm tra dự án tại Cần Thơ

(PLO)- Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường thuộc Quốc hội thẩm tra dự án và dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám vào tháng 10.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-7, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội làm việc với UBND TP Cần Thơ về khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Thẩm tra dự án
Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, phát biểu tại buổi khảo sát phục vụ việc thẩm tra dự án. Ảnh: NHẪN NAM

Cần hỗ trợ để phát triển thị trường trong nước

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT, cho biết TP Cần Thơ là địa phương đầu tiên mà đoàn đi làm việc liên quan đến dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Theo kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Thường trực Ủy ban KHCN&MT chủ trì thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ tám (tháng 10) sắp tới.

“Luật này được coi là luật mới nhưng bản chất lấy từ một chương của Luật Công nghệ thông tin và xây dựng phát triển thành một luật hoàn toàn mới. Mục đích của đoàn muốn lắng nghe ý kiến của các địa phương làm công tác quản lý nhà nước liên quan đến sự phát triển về công nghệ thông tin và hướng đến công nghệ số” - ông Tuấn nói tại buổi khảo sát phục vụ việc thẩm tra dự án.

Góp ý tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đánh giá dự thảo luật có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển ngành công nghiệp công nghệ số thành ngành mũi nhọn. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số không phải là vấn đề dễ hiểu với mọi người nên cũng là một khó khăn khi tiếp cận dự thảo.

Góp ý vào một số chi tiết trong dự thảo, đại biểu thắc mắc vì sao dự thảo có quy định mức hỗ trợ phát triển thị trường nước ngoài 30%-80% nhưng lại không thấy hỗ trợ phát triển thị trường trong nước. Do đó, các đại biểu đề nghị cần có thêm chính sách này cho thị trường trong nước, quy định mức hỗ trợ cho phát triển sản phẩm trọng điểm.

Hay dự thảo có nói đến vấn đề thông minh hóa các ngành lĩnh vực, đại biểu đề xuất thêm lĩnh vực là môi trường thông minh vì nó liên quan mật thiết đến người dân.

Dự thảo nói về thành lập ủy ban về công nghiệp công nghệ số, đại biểu cho rằng hiện nay chúng ta đã có ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, vậy thì không nên thành lập thêm mà vẫn giữ ủy ban đó rồi tăng thêm nhiệm vụ lên hay như thế nào đó, chứ nhiều ủy ban quá sẽ không quán xuyến hết được các công việc…

Hằng năm, TP Cần Thơ có khoảng 8.400 sinh viên theo học ngành công nghệ thông tin và có khoảng 800 sinh viên tốt nghiệp.

TP Cần Thơ có nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, đến nay mạng cáp quang TP đã kết nối trên 80% hộ gia đình; 92% hộ gia đình có người có điện thoại thông minh; phủ sóng thông tin di động và thông tin di động băng rộng 3G, 4G đến 100% địa bàn dân cư…

Mạng truyền số liệu chuyên dùng TP Cần Thơ đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn, các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội.

TP Cần Thơ là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực nói chung và lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) nói riêng của ĐBSCL. TP hiện có năm trường ĐH, 14 trường CĐ, 21 trung tâm giáo dục nghề nghiệp có đào tạo về CNTT. Tổng số sinh viên đang theo học ngành CNTT hằng năm vào khoảng 8.400; hằng năm có khoảng 800 sinh viên tốt nghiệp ĐH.

Trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT thì nguồn nhân lực hiện có đã qua đào tạo CNTT ước tính khoảng 2.634 người.

Với nguồn nhân lực dồi dào và được đào tạo hiện nay thì TP Cần Thơ cơ bản đáp ứng đủ nguồn nhân lực CNTT cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp CNTT và khu CNTT tập trung của TP.

TP có 670 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số với tổng doanh thu khoảng 6.718 tỉ đồng, đa số là loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm