VAR kéo theo những công việc trang bị kỹ thuật rất tốn tiền, nhân lực và nhiều thứ khác nữa. Thứ nhất là phải có nhiều camera đúng chuẩn, độ phân giải cao, mạnh và đặt rất nhiều ở các điểm thích hợp trên sân. Cùng với đó đòi hỏi đường truyền dẫn, phòng kỹ thuật, phân tích và đội ngũ ngồi phân tích trong phòng kỹ thuật, nhân viên đồ họa… xử lý cực nhanh trong những tình huống nóng… để kịp thời liên lạc với tổ trọng tài trên sân xử lý ngay tình huống.
Giữa trào lưu bóng đá thế giới, ngày càng rất nhanh, rất mạnh mà nhiều khi tổ trọng tài trên sân không quán xuyến nổi thì VAR là điều cần thiết để giảm thiểu những quyết định oan uổng cho các đội. Nhưng với điều kiện sân bãi như ở Việt Nam hiện nay, cụ thể là các đội V-League điều kiện cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn, lạc hậu thì việc đưa VAR vào giống chiếc áo cũ rách được đắp miếng vá bằng vải mới.
Sân bãi ở Việt Nam cần được nâng cấp rồi hãy đưa công nghệ vào. Ảnh: HUY PHẠM
Mặt sân cỏ của nhiều CLB V-League còn rất tệ, cầu thủ Việt Nam chấn thương rất nhiều cũng vì mặt sân quá xấu, các phòng chức năng trong sân rất tồi tàn. Nhiều sân ngay sát khu khán đài A bốc mùi từ toilet cách đó không xa. Chưa kể mặt cỏ vào mùa mưa hay thời tiết lạnh thì xấu đến độ đất trơ ra, lởm chởm…
VAR nhìn bên ngoài thì thấy đầy thuận lợi nhưng trang bị đầy đủ để vận hành đúng nghĩa và đúng cách nó đòi hỏi nơi hậu trường cực kỳ tốn kém con người, kỹ thuật, đầu tư, tập huấn… Trong tương lai là phải có VAR theo trào lưu thế giới nhưng nó cần được đồng bộ với mặt sân mà ít ra V-League phải được như Thai-League các sân đều sử dụng cỏ chỉ như thảm được chăm chút kỹ lưỡng.