Trước tình hình đại dịch diễn biến phức tạp trên toàn cầu với các biến thể mới liên tục xuất hiện và hoành hành, bài toán làm sao tăng sức chống chọi của vaccine với COVID-19 ngày càng nóng, với sự tham gia tìm giải pháp của các chính phủ, hãng dược.
Người dân Mỹ được tiêm vaccine ở TP Aberdeen, bang Maryland.
Ảnh: GETTY IMAGES
Hiệu quả ngăn nhiễm giảm dần sáu tháng sau tiêm
Diễn biến mới nhất, ngày 8-7, hãng dược Pfizer (Mỹ) cho biết vào tháng 8 tới, hãng sẽ xin Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) phê duyệt khẩn cấp giải pháp tiêm tăng cường liều vaccine BNT162b2 thứ ba nhằm tăng mức kháng thể ngăn nhiễm, đài CNN đưa tin.
Pfizer và đối tác của mình trong phát triển, sản xuất vaccine ngừa COVID-19 là Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) nói ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy sau một thời gian được tiêm vaccine thì hệ thống miễn dịch của người được tiêm bắt đầu bớt mạnh dần.
Dữ liệu của Pfizer tại Mỹ cho thấy hiệu quả của vaccine giảm còn khoảng 85% sau khi tiêm được sáu tháng. Trong thông cáo gửi CNN, Pfizer nhắc đến dữ liệu thực tế Bộ Y tế Israel công bố tháng trước cho thấy “hiệu quả của vaccine trong việc ngừa nhiễm và ngăn triệu chứng giảm dần sau sáu tháng tiêm chủng (từ 90% xuống còn 64%), mặc dù hiệu quả ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng vẫn cao”.
Ông Mikael Dolsten, Trưởng nhóm nhà khoa học của Pfizer, gần đây cho biết tình trạng giảm dần sức miễn dịch xảy ra ở những người được tiêm vaccine từ tháng 1 hay tháng 2 năm nay. Ông tin mũi tăng cường đặc biệt quan trọng với nhóm người lớn tuổi.
Trong thông cáo, Pfizer đề cập đến thực tế “trong giai đoạn này, biến thể Delta đang trở thành biến thể chiếm ưu thế ở Israel (nước đã hoàn thành phủ sóng tiêm chủng) và ở nhiều nước”. Pfizer thừa nhận rằng dựa trên tất cả dữ liệu có được đến thời điểm này, “nếu được tiêm thêm liều thứ ba tăng cường trong vòng 6-12 tháng sau liều thứ hai thì sẽ duy trì được mức bảo vệ cao nhất”.
Pfizer nói nghiên cứu cho thấy liều thứ ba tăng cường sẽ giúp cơ thể tạo ra mức kháng thể trung hòa cao gấp 5-10 lần so với chỉ tiêm hai liều đầu. Pfizer cho biết mình và BioNTech sẽ nghiên cứu phát triển một phiên bản cập nhật của vaccine ngừa COVID-19 nhắm vào biến thể Delta. Theo Pfizer thì lô mRNA đầu tiên cho thử nghiệm đã được sản xuất tại cơ sở của BioNTech tại TP Mainz, bang Rheinland-Pfalz, Đức. Dự kiến các nghiên cứu lâm sàng sẽ được bắt đầu vào tháng 8 nếu được nhà chức trách cho phép.
Đề cập rõ hơn, hãng tin Reuters cho biết Pfizer có kế hoạch sớm thử nghiệm có so sánh bằng giả dược với liều vaccine tăng cường với 10.000 người tham gia. Thời gian diễn ra thử nghiệm dự kiến sẽ kéo dài hết mùa thu, đồng nghĩa sẽ không kịp có kết quả trước thời điểm Pfizer định sẽ gửi đơn xin phê duyệt lên FDA (tháng 8).
FDA, CDC Mỹ chưa thuận
Liên quan ý định của Pfizer, hai cơ quan liên bang hàng đầu của Mỹ về y tế - FDA và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) - thống nhất rằng người Mỹ thời điểm này chưa cần đến liều vaccine thứ ba tăng cường. FDA và CDC cũng nói rõ việc quyết định thời điểm cần tiêm tăng cường không tùy thuộc vào các hãng dược mà dựa vào căn cứ khoa học.
“FDA, CDC và NIH (Viện Y tế quốc gia) đang trong quá trình xem xét liệu có cần thiết phải tiêm thêm liều tăng cường hay không, dựa trên cơ sở khoa học” - CNN dẫn tuyên bố chung của các cơ quan quản lý y tế Mỹ.
Các quan chức chính phủ Mỹ vẫn nhấn mạnh rằng ở người đã được tiêm đủ hai liều vaccine thì rủi ro bị nhiễm thấp, kể cả biến thể Delta (vốn có khả năng lây lan mạnh). Thêm nữa, nhiều nghiên cứu cho thấy các loại vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA của Pfizer hay Moderna đều có thời gian bảo vệ dài. Các cơ quan quản lý y tế Mỹ khẳng định người được tiêm đủ hai liều sẽ được bảo vệ trước nguy cơ bệnh tiến triển nặng và chết, kể cả trước các biến thể đang lây lan tại Mỹ, trong đó có Delta.
TS Eric Topol, giáo sư về y học phân tử và là giám đốc Viện Dịch thuật nghiên cứu Scripps ở California (Mỹ), cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn về các yếu tố khoa học trước khi quyết định. Theo TS William Schaffner, một chuyên gia về vaccine tại Trung tâm y tế ĐH Vanderbilt (Mỹ), ngay cả khi Pfizer nhận được sự phê duyệt của FDA thì chuyện áp dụng liều tăng cường vẫn cần được các cố vấn của CDC xem xét và đề xuất.
TS Schaffner cho rằng chuyện liều tăng cường lúc này chưa thật sự cấp thiết, mà điều thực tế cần làm bây giờ là tập trung khuyến khích người dân đi tiêm mũi 1 và mũi 2. Chưa kể, việc triển khai tiêm liều tăng cường sẽ càng làm tăng nhu cầu, dẫn tới tăng khan hiếm vaccine, trong khi phần lớn người dân trên thế giới vẫn chưa được tiêm bất cứ mũi nào.
Trước mắt, TS Schaffner cũng như các cơ quan chức trách y tế Mỹ đồng ý rằng điều mà Pfizer cần làm nhất lúc này là tăng tối đa tốc độ sản xuất vaccine để góp sức phục vụ mục tiêu phủ sóng tiêm chủng toàn cầu. Các cơ quan y tế Mỹ cũng khuyến khích người dân nào còn chần chừ chưa tiêm mũi 1 và mũi 2 thì nên đi tiêm càng sớm càng tốt để bảo vệ mình và cộng đồng.
Trong khi đó, theo ông Dolsten, nhiều nước châu Âu và một số nơi khác đã tiếp xúc với Pfizer để bàn về chuyện liều tăng cường. Có thể sẽ có một số nước quyết định phê duyệt và tiến hành tiêm mũi 3 trước cả Mỹ, theo ông.•
Vaccine của Pfizer có hoạt tính cao chống lại biến thể Delta. Tuy nhiên, sau sáu tháng có thể có nguy cơ tái nhiễm khi các kháng thể, như đã dự đoán, sẽ dần suy yếu. Nhà khoa học MIKAEL DOLSTEN tại Pfizer |
Indonesia, Thái Lan cân nhắc tiêm liều tăng cường cho nhân viên y tế Theo tin từ Reuters, Indonesia và Thái Lan đang cân nhắc tiêm thêm liều tăng cường cho các nhân viên y tế trước đó đã được tiêm vaccine của Sinovac (Trung Quốc). Indonesia đã tiêm đủ hai liều vaccine của Sinovac cho hàng triệu nhân viên y tế nhưng hàng ngàn người trong số này vẫn nhiễm. Hiện Bộ Y tế Indonesia đang chờ khuyến cáo từ Cơ quan Tư vấn tiêm chủng và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này về khả năng tiêm mũi tăng cường thứ ba. Thái Lan thì đang tính sẽ dùng một số trong 1,5 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech dự kiến sẽ được chuyển sang từ Mỹ cuối tháng này tiêm tăng cường cho 700.000 nhân viên y tế nước mình. Phần lớn số nhân viên y tế này trước đó đã được tiêm đủ hai liều vaccine của Sinovac. Một số nước ngoài khu vực, như Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho những người đã được tiêm vaccine của Trung Quốc vì lo rằng vaccine này không đủ hiệu quả ngăn chặn các biến thể mới. Tuy nhiên, cách làm này ở Đông Nam Á thì hệ lụy lớn hơn nhiều, theo Reuters. Việc này khả năng sẽ làm giảm niềm tin của người dân vào vaccine Trung Quốc - vốn đang là loại vaccine được sử dụng chủ yếu trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia ở các nước này. Hiện tỉ lệ chủng ngừa trung bình ở Đông Nam Á chưa tới 10%, trong khi tình hình dịch khu vực đang diễn tiến hết sức phức tạp, biến thể Delta đang lan nhanh nguy hiểm, số ca nhiễm và tử vong đều đang tăng báo động. |