Cuối cùng Sở GD&ĐT TP.HCM đã ban hành văn bản cấm tuyệt đối giáo viên dạy thêm trong nhà trường, nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật ở mức cao nhất. Sau đó giám đốc Sở đã ra tiếp văn bản nói rõ giáo viên không được dạy thêm học sinh mà mình đang dạy chính khóa.
Có vị hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM đã so sánh rất khập khiễng là tại sao bác sĩ được mở phòng mạch ngoài giờ, ca sĩ được chạy sô, còn giáo viên sao lại không cho dạy thêm? Cái khác nhau là bác sĩ không bắt ai đến khám bệnh, ca sĩ không buộc ai đi nghe, xem mình hát nhưng có không ít giáo viên ép học sinh đi học thêm, nếu không sẽ bị “đì” bằng nhiều cách. Như vừa rồi, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, cũng xác nhận rằng có một số ít giáo viên ép học sinh học thêm với mình hoặc có trường bắt học sinh phải học thêm mặc dù các em không có nhu cầu. Điều đó gây bức xúc cho không ít phụ huynh học sinh và xã hội. Tuy nhiên, theo bà Cúc nếu chỉ vì một số trường hợp cá biệt mà cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường là đánh đồng tất cả giáo viên dạy thêm đều “không ra gì”. Và quyết định cấm dạy thêm trong nhà trường là thiếu thuyết phục, gây tổn thương, ấm ức cho đội ngũ giáo viên. Bà Cúc cũng nêu thắc mắc TP cho các trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ được phép thành lập và hoạt động thì tại sao các trường lại không được làm? Bà Cúc nói một câu rất thống thiết: “Đừng xem việc dạy thêm là một tệ nạn!”.
Trong khi đó ủng hộ cấm dạy thêm là đa số người lao động có thu nhập thấp vì học thêm là gánh nặng tài chính cho mỗi gia đình vốn đã rất eo hẹp. Họ cho rằng chỉ những người có việc làm ổn định, có thu nhập khá mới ủng hộ dạy thêm, học thêm... Mặc dù quyết định cấm đã được ban hành nhưng tranh luận vẫn còn râm ran trong những cuộc trà dư tửu hậu, trên một số trang mạng.
Ngoài những tranh luận về dạy thêm, học thêm, năm học 2016-2017 này Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi Thông tư 30/2014, theo đó thay vì nhận xét chung chung sẽ xếp loại học sinh tiểu học theo A, B, C. Bởi hai năm qua hầu hết giáo viên tiểu học chỉ nhận xét học trò mình một cách vô thưởng vô phạt. Đây cũng là chuyện gây tranh cãi giữa các nhà giáo dục.
Một chuyện khác liên quan tới giáo dục cũng khá đặc biệt là năm nay có đến 32% học sinh chỉ thi lấy bằng tốt nghiệp THPT mà không cần xét tuyển đại học. Rồi hàng loạt trường đại học dù đã hạ điểm xét tuyển (từ 0,5 đến 6 điểm) nhưng vẫn không đủ thí sinh nhập học. Đáng kinh ngạc là hàng loạt thí sinh nộp đơn xin hủy kết quả trúng tuyển đợt 1 khi biết các trường tốp đầu xét tuyển bổ sung. Đến nỗi Bộ GD&ĐT đã quyết định không cho rút giấy chứng nhận kết quả trúng tuyển! Các trường tốp đầu như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngân hàng TP.HCM... phải tuyển bổ sung mà vẫn không đủ chỉ tiêu. Trong khi đó một số trường phải gọi bổ sung nhiều hơn chỉ tiêu để bù vào số thí sinh ảo trong đợt 1 đã rút đi.
Vì lợi ích trăm năm trồng người. Giáo dục phải là chiến lược phát triển lâu dài chứ không thể nay thay mai đổi theo mỗi đời bộ trưởng, đem học sinh làm “con chuột bạch” để thể nghiệm giáo dục! Tôi tâm đắc “triết lý giáo dục” của tân Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: “Giáo dục là quá trình lâu dài để phát triển con người, vì con người chứ không phải nhất thời”. Nhưng hãy chờ xem ông tân bộ trưởng sẽ làm được gì cho nền giáo dục nước nhà trong nhiệm kỳ của ông.