Đã nhiều lần lệnh cấm này đã được thực hiện rồi nới lỏng. Sau những "chiến dịch truy quét dạy thêm" là những vết sẹo tinh thần khó liền da của các thầy cô giáo và sự bất tín nhiệm với ngành giáo dục của xã hội.
Và như thế sau những cấm đoán ấy tất cả đều bị thiệt hại!
Xã hội nổi giận với cảnh những đứa bé khốn khổ học ngày mười mấy tiếng, lưng còng mắt cận tứ chi kém phát triển. Vì thế việc dạy thêm bị lên án là có cơ sở.
Phải cấm thôi! Nhưng nếu cấm dạy thêm thì giáo viên giảm thu nhập. Họ sẽ làm gì để sống với mức lương có người chỉ hơn 2 triệu/tháng?
Làm nghề giáo chẳng ai ngạc nhiên với cảnh có nhiều thầy cô phải làm thêm những công việc vô cùng cực nhọc như đạp cyclo, chạy xe ôm, bán buôn đủ thứ.
Tôi từng chứng kiến cô bạn dạy cùng trường mỗi chiều bưng khay chừng chục hũ yaourt ra chợ Đakao vừa đi vừa rao khản cổ chẳng ai mua. Đứng bên kia đường nhìn cảnh mọi người lắc đầu và xua đuổi cô ấy mà tôi phải cắn chặt môi để không khóc cho cái nghề của mình!
Và, chính tôi trong suốt gần 30 năm thâm niên trong nghề giáo cũng đã từng làm hơn 20 nghề tay trái để trụ được trên bục giảng. Lúc thì đi giữ xe đạp cho học sinh của trường khác sau giờ dạy, lúc thì bán bánh mì, bán cơm tấm, bán bảo hiểm, tiếp thị bia...
Chúng tôi đã làm đủ thứ nghề để sau những giờ phút cực nhọc ấy chúng tôi vẫn được sang sảng rao giảng về tri thức và về đạo đức. Đã có ai hiểu được nỗi cay đắng của một cô giáo ban ngày thướt tha áo dài trên bục giảng nói về khoa học, về nhân phẩm và đạo đức, ban đêm lại bưng từng lon bia đi chào mời và vẫn phải tươi cười với cả kẻ sàm sỡ mình?
Nếu không chấp nhận cuộc sống với hai thái cực ấy thì chúng tôi có quyền lựa chọn khác không? Hay là đi dạy thêm? Chúng tôi thích có được không? Muốn có được không?
Các bạn đồng nghiệp ạ, tôi không thích dạy thêm, bạn cũng vây! Chúng ta dạy thêm làm gì để thiên hạ đòi xử lý chúng ta như những kẻ buôn ma túy tệ mạt của xã hội cơ chứ! Chúng ta dạy thêm làm gì để thân tàn ma dại vì ngày dạy 9-10 tiết, tối dạy thêm và khuya chấm soạn bài cùng hàng đống thứ vắt kiệt sức lực chúng ta!
Ra đường đi, buôn bán gì cũng được, cố giữ lấy nghề thì phải hy sinh phẩm hạnh hoặc sự tôn nghiêm của nghề thôi! Nếu các bạn không đủ sống, không dạy thêm và cũng không biết chạy ngược xuôi làm nghề tay trái thì chúng ta chỉ còn phương án bỏ nghề mà thôi. Hãy nhường lại bục giảng cho những ai có điều kiện kinh tế và không sống bằng lương. Họ sẽ có đủ lực để tồn tại, để tái tạo chất xám và cầm phấn không run tay bởi cơm áo gạo tiền.
Nếu các bạn còn đứng trên bục giảng thì chúng ta vẫn cứ phải còn nuôi ước mơ các bạn ạ. Mơ ước đó là không phải dạy thêm, không phải cực nhục mà vẫn đủ sống!
Những người đang đứng bên ngoài ơi, chúng tôi- những nhà giáo mơ ước rằng chúng tôi có thể toàn tâm toàn ý phát triển chuyên môn, có thể ngẩng cao đầu bởi sự trong sạch mà lẽ ra chúng tôi phải có để giữ cho mình một vị trí mẫu mực trong lòng con trẻ.
Vâng. Ước gì...