Vài kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Trí Công của 'Dũng Sài Gòn'

(PLO)- Chỉ còn vài tiếng nữa, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... sẽ tiễn đưa nhà văn Nguyễn Trí Công về nơi an nghỉ cuối cùng. Những kỷ niệm về anh tôi còn nhớ mãi...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

14h30 phút chiều nay (28-5), linh cữu của nhà văn Nguyễn Trí Công sẽ được đưa đi hỏa táng tại Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa. Anh sẽ mãi mãi vĩnh biệt chúng ta về với đất mẹ.

Nhà văn Nguyễn Trí Công. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Nhà văn Nguyễn Trí Công. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Những kỷ niệm về anh trong tôi vẫn in đậm về một nhà văn hiền của làng văn Nam bộ.

Đến với anh cũng vì "Dũng Sài Gòn"

Tôi đọc truyện dài Dũng Sài Gòn ngay từ khi bước chân vào Sài Gòn để học đại học. Đọc truyện xong cứ mong muốn gặp được nhà văn - cha đẻ của Dũng Sài Gòn mà ít nhiều kỷ niệm tuổi thơ có một phần của tôi và các bạn trong đó.

May mắn tôi lại có dịp diện kiến anh trực tiếp tại Nhà xuất bản Trẻ khi tôi đến họp báo ra sách mới của một bạn văn. Nhưng chỉ chào xã giao vì anh cũng chưa biết nhiều về tôi, lại nghe tôi giới thiệu là PV báo Văn Nghệ?

Vào tháng 4-2013, tôi lại gặp anh ở NXB Trẻ. Bước vào phòng tôi thấy anh ngồi trong góc giữa nhiều biên tập viên khác. Dáng anh thấp nhưng gương mặt sáng, cương nghị. Sau khi làm quen, anh ký tặng tôi cuốn "Dũng Sài Gòn", tôi vui mừng ra mặt, bắt tay cảm ơn anh. Anh hẹn tôi một ngày khác ra quán cóc nói chuyện văn chương vì anh đang trong thời gian làm việc.

Trong lúc trà dư tửu hậu, khi tôi bất ngờ nhắc đến nhà văn Trần Hoài Dương - tác giả của 'Miền xanh thẳm' (sinh năm 1943, qua đời ngày 6-5-2011), bất chợt anh thở dài rồi rít một làn thuốc nhả khói mù sương.

Anh chầm chậm kể: "Khi tôi về công tác ở NXB Măng Non thì nhà văn Trần Hoài Dương là trưởng ban văn học thiếu nhi. Anh là một nhà văn tài ba, nổi tiếng và có nhiều tác phẩm hay cho các em. Cả đời anh chỉ viết cho thiếu nhi. Có lẽ đó là điểm chung đưa chúng tôi lại gần nhau.

Còn học hỏi thì tôi học ở anh nhiều về kỹ năng biên tập. Anh là một biên tập viên khó tính nhưng có tâm và có tài. Có tâm là anh luôn tìm kiếm, phát hiện người viết, chính vì vậy anh luôn đọc rất kỹ các tác phẩm “lai cảo” (tác phẩm được gởi đến NXB của các tác giả không tên tuổi), từ đó mà NXB sẽ có được các tác phẩm hay cho các em.

Tài là anh có thể giúp một tác phẩm còn “non” trở thành một tác phẩm in được bằng cách góp ý cho tác giả sửa chữa để hoàn chỉnh tác phẩm. Kỷ niệm với anh thì nhiều lắm, vui có, buồn có... và kỷ niệm thì nên giữ mãi trong tim".

Cả đời văn gắn liền với văn học thiếu nhi

Cũng như một vài bạn học, từ nhỏ tôi đã yêu văn chương, thích thú tìm đến nhà sách ngồi hàng giờ đọc ké Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài.

Lớn lên khi vào Sài Gòn đến thư viện tìm đọc truyện thiếu nhi của nhà văn Trần Hoài Dương.

Đặc biệt tôi ấn tượng và thích nhất là tác phẩm Miền xanh thẳm. Có duyên hơn khi tôi làm báo Văn Nghệ ở số 43 Đồng Khởi, quận 1 với nhà thơ Nguyễn Duy lại được gặp nhà văn Trần Hoài Dương. Quý hơn nữa khi tôi chở nhà thơ Hoài Anh đến nhà riêng của anh trên đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, được anh ký tặng cuốn sách Miền xanh thẳm.

Sau đó tôi mới biết nhà văn Trần Hoài Dương chỉ có một người con trai duy nhất đó là nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh với ca khúc nổi tiếng Chân tình.

Người thứ ba tôi được gặp là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả của nhiều đầu sách gối giường khi tôi còn học tiểu học, trung học rồi đại học như Kính vạn hoa, Bồ câu không đưa thư, Chú bé rắc rối, Bàn có năm chỗ ngồi... đặc biệt tôi thích thú với Cho tôi một vé đi tuổi thơ.

Ngoài ra tôi còn đọc nhiều tác phẩm viết cho văn học tuổi thơ của Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Thạch Lam... đến Hoài Anh...

Lần thứ ba là vào năm 2013, tôi gặp nhà văn Nguyễn Trí Công khi anh thực hiện lại trọn bộ các tác phẩm văn học thiếu nhi đoạt giải thưởng nhà văn. Trong số đó có cuốn Đuốc lá dừa của nhà văn Hoài Anh (1938-2011), khi đó nhà văn Hoài Anh đã qua đời cách đó hai năm (24-3-2011) và ông đã giao toàn bộ tác phẩm lại cho tôi.

Anh gọi hẹn tôi cà phê trước tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM. Anh nói: "Mình rất quý anh Hoài Anh nhưng mình phục ông ở chỗ, ông là nhà văn gốc Bắc nhưng khi viết Đuốc lá dừa hơn hẳn cả nhà văn gốc Nam bộ. Bởi vì ông thông thuộc tiếng địa phương nói riêng, tiếng Nam bộ nói chung nên tác phẩm này đoạt giải hoàn toàn xứng đáng".

Dũng Sài Gòn đoạt giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Nam (1990-1991). Dũng Sài Gòn cũng là một trong năm tác phẩm trong Tuyển truyện đoạt giải văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam: Trên lưng ngựa của nhà văn Minh Khoa, Vịt chị vịt em của nhà văn Vũ Thị Thường, Một chuyến đi xa của nhà văn Đào Hiếu, Đuốc lá dừa của nhà văn Hoài Anh).

Dũng Sài Gòn đoạt giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Nam (1990-1991). Dũng Sài Gòn cũng là một trong năm tác phẩm trong Tuyển truyện đoạt giải văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam: Trên lưng ngựa của nhà văn Minh Khoa, Vịt chị vịt em của nhà văn Vũ Thị Thường, Một chuyến đi xa của nhà văn Đào Hiếu, Đuốc lá dừa của nhà văn Hoài Anh).

Anh cũng nhẹ nhàng chia sẻ thêm: "Em được là học trò của anh Hoài Anh là quý lắm. Chỉ mong em hãy viết và hãy dành viết cho thiếu nhi".

Ngoài những nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi theo tôi nổi bật ở miền Bắc có Tô Hoài, miền Trung có Nguyễn Nhật Ánh, miền Nam có Đoàn Giỏi của Đất rừng phương Nam (được chuyển thể thành phim) thì tôi ấn tượng với Dũng Sài Gòn của nhà văn Nguyễn Trí Công. Bởi mình vào Sài Gòn có cuốn sách với về người bạn Sài Gòn thì hay quá.

Truyện giản dị nhưng mang đậm tính nhân văn, nhất là tính giáo dục trẻ em về tình bạn. Câu chuyện xoay quanh ba nhân vật chính Dũng Sài Gòn-Long-Đen với kỷ niệm hồn nhiên của tuổi thiếu niên rất trong sáng, vui có, buồn có, đánh nhau có, rồi kết bạn cùng nhau. Truyện mang tính nhân văn cao.

Chỉ riêng với Dũng Sài Gòn đã đưa tên tuổi nhà văn Nguyễn Trí Công có chỗ đứng nhất định trong làng văn. Và độc giả biết đến anh cũng qua Dũng Sài Gòn.

Anh sinh ra ở Long Xuyên (An Giang), một tỉnh miền Tây Nam bộ. Và ở miền Tây thì đồng ruộng ngút ngàn với những câu vọng cổ ngọt ngào thấm đượm nỗi buồn man mác. Sau anh lên Sài Gòn ăn học từ rất sớm nhưng tình yêu quê hương vẫn nặng trong lòng. Đó là một trong những lý do tại sao anh viết Dũng Sài Gòn.

"Dũng Sài Gòn" đã chuyển thể thành phim nhựa nhân kỷ niệm 300 năm thành phố Hồ Chí Minh (1698-1998).
"Dũng Sài Gòn" đã chuyển thể thành phim nhựa nhân kỷ niệm 300 năm thành phố Hồ Chí Minh (1698-1998).

Với Dũng Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Trí Công chia sẻ: “Tôi muốn truyền tải cho các em tình yêu quê hương đất nước thông qua một câu chuyện ở chính quê nhà. Dù đó là vùng đất nào thì cũng đậm đà ký ức tuổi thơ. Đối với tôi, viết cho thiếu nhi là một yêu cầu tự thân.

Ngay từ truyện ngắn đầu tiên là tôi đã viết cho thiếu nhi. Viết cho các em, bay bổng cùng các em qua từng trang viết thật sự là một hạnh phúc. Và tôi luôn mơ ước”.

Đau đáu với thể loại văn học thiếu nhi, anh chia sẻ: "Tôi về Nhà xuất bản Măng Non (tiền thân của NXB Trẻ) từ năm 1981 và làm biên tập viên. Qua 3 cuộc thi văn học thiếu nhi “vì tương lai đất nước” của NXB Trẻ cũng phát hiện được khá nhiều tác giả viết hay cho các em nhưng rồi tiếc thay, các cây bút đó không đi tiếp con đường văn học thiếu nhi.

Tôi nghĩ cũng có nhiều lý do nhưng có lẽ có một lý do mà tôi nghĩ quan trọng nhất là “viết cho các em” thiệt thòi quá. Nhuận bút thì thấp, khó nổi tiếng, và mảng văn học nầy cũng chẳng mấy được ai quan tâm, vì thế họ rẽ ngang để viết cho người lớn, họa hoằn với tình yêu thiếu nhi, họ viết vài tác phẩm cho các em, mà như thế thì...".

Tác giả và nhà văn Nguyễn Trí Công (bên phải). Ảnh: PHAN TRUNG THÀNH

Tác giả và nhà văn Nguyễn Trí Công (bên phải). Ảnh: PHAN TRUNG THÀNH

Một đời người 33 năm gắn bó với NXB Trẻ, viết cho thiếu nhi, biên tập kịch bản, truyện tranh cho thiếu nhi anh xứng đáng được ghi nhận.

Khi tôi trao đổi muốn gặp trực tiếp viết về anh, anh lần lựa mãi. Tôi gởi mail, anh phản hồi: "Tánh anh không thích khoa trương bởi nhà văn có tồn tại với thời gian hay không không phải là sự quảng bá tên tuổi mà chính là tác phẩm".

Hơn 10 năm quen biết anh, khi anh bệnh tôi không hay vì tính anh trầm lặng. Anh là một trong số nhà văn chỉ say mê công việc. Hiếm khi thấy anh tụ tập, bù khú... một người hiền của làng văn Nam bộ.

Vĩnh biệt anh, tôi còn nhớ mãi câu nói của anh: "Nếu được em hãy viết và hãy dành viết cho thiếu nhi".

Tôi còn nợ anh câu nói này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm