Sáng 19-2, nhiều người trong đoàn thị sát kênh Đôi - kênh Tẻ (địa bàn quận 4, quận 8, TP.HCM) không khỏi giật mình khi chứng kiến dọc tuyến kênh này vẫn còn rất nhiều nhà vệ sinh lộ thiên như kiểu “cầu tõm” ở những vùng sông nước ít người.
Hàng ngàn căn nhà lụp sụp còn tồn tại trên kênh Đôi - kênh Tẻ. Ảnh: TRUNG THANH
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND quận 8, cho biết hiện trên địa bàn quận vẫn còn hơn 1.000 căn nhà xả trực tiếp chất thải - nước thải xuống kênh. Vì thế địa phương mong muốn dự án di dời các hộ dân trên kênh và cải thiện môi trường nước sớm được triển khai.
Nhiều “cầu tõm” dọc tuyến kênh lớn nhất nhì Sài Gòn cũng vẫn còn tồn tại. Ảnh: TRUNG THANH
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban quản lý giao thông - đô thị TP cho biết, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 3 đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi. Khi thực hiện, dự án này sẽ thu gom toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt và dòng các kênh sẽ không phải tiếp nhận nguồn thải ô nhiễm nữa.
Theo ông Phúc, tổng mức đầu tư dự án nói trên hơn 13.500 tỉ đồng. Theo đó, chi phí di dời và tái định cư cho khoảng 5.800 hộ dân sống trên kênh (quận 8 và quận 4) khoảng 4.500 tỉ đồng. Dự án sẽ xây mới và cải tạo hoàn chỉnh hệ thống bờ kè đường ven kênh cùng mảng xanh dọc tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ với tổng chiều dài hơn 13,5 km. Bên cạnh đó cũng sẽ xây các nhà máy xử lý nước thải để dòng kênh sẽ được trong xanh trở lại.
Ông Mori Mutsaya - Phó đại diện văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam nói rằng cảnh tượng trên kênh Đôi - kênh Tẻ làm ông nhớ đến lại cảnh ô nhiễm ở Nhật mấy chục năm về trước. Nó cũng làm ông nhớ đến hình ảnh hàng ngàn căn nhà trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đã được di dời để thực hiện dự án đại lộ Đông Tây trước đây.
Theo ông Mori, dự án cải thiện chất lượng nước giai đoạn 3 ở TP.HCM rất thích hợp đối với nguồn vốn vay ưu đãi - ODA. Do đó, JICA sẽ ghi nhận sự cần thiết thực hiện dự án và xem xét về việc tài trợ nguồn vốn cho dự án này.