Chiều tắt nắng, dòng nước trên kênh Tham Lương - Bến Cát như cô đặc lại thành một thứ dung dịch sệt. Trở về sau một ngày đi vớt trùn chỉ trên sông Sài Gòn, nhìn dòng kênh đen kịt, mùi hôi xộc lên theo từng cơn gió, anh Nguyễn Hồng Sơn (đang sống tạm trên một chiếc ghe neo ở khu vực cầu Bến Phân, quận Gò Vấp, TP.HCM) lại càng thêm mỏi mệt.
Kênh nạo vét rồi, nước vẫn cứ đen
Hơn 44 năm sống bên dòng Tham Lương - Bến Cát, thấy dòng kênh ngày càng ô nhiễm, anh Sơn không khỏi ngậm ngùi: “Lúc tôi còn nhỏ, nước kênh rất trong xanh, ngày nào trẻ con cũng ra đây tắm. Đến năm 15-16 tuổi, tôi thấy nước cứ đen dần… Giờ thì khỏi phải nói, nước đen và hôi không chịu nổi, đến con trùn chỉ cũng không sống được”.
Anh Sơn cho biết căn nhà của gia đình anh bị giải tỏa để thực hiện dự án cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên nên rất nóng lòng mong dòng kênh này hồi sinh. “Gia đình đông người quá, nhà thuê không đủ chỗ ở nên tôi phải sống tạm trên ghe. Ban ngày đi vớt trùn chỉ ở sông Sài Gòn, tối về ghe ngủ. Lúc trước vợ con tôi cũng sống trên ghe nhưng giờ nước hôi quá, tôi phải cho lên bờ sống nhờ nhà người quen” - anh Sơn bộc bạch.
Đường dọc kênh Tham Lương đã dần hình thành nhưng dòng nước vẫn còn đen ngòm. Rất nhiều hộ dân phải sống trong cảnh ô nhiễm. Ảnh: TRUNG THANH
Men theo dòng kênh, đi ngược về phía thượng nguồn, chúng tôi thấy nhiều đoạn đã giải tỏa xong, đường đi đã dần hình thành nhưng nước kênh chỗ nào cũng đen kịt. Tại khu vực phường Đông Hưng Thuận, quận 12 (nơi có nhiều cơ sở sản xuất ô nhiễm) dòng nước lại càng đen đặc hơn. “Cứ đến cuối năm, các nhà máy lại đua nhau xả nước thải ra kênh. Khu vực này toàn là các nhà máy ô nhiễm, nói sao kênh không dơ, không hôi thối” - anh Phạm Văn Thuận, nhà gần kênh, phản ánh.
Tại khu vực gần cầu Tham Lương, quận Tân Bình, người dân cũng sốt ruột khi thấy dòng kênh chưa có dấu hiệu chuyển màu. “Dự án này đã thực hiện nhiều năm, đất ven kênh đã giải tỏa xong nhưng dòng kênh thì vẫn vậy, lúc nào cũng đen thui. Muỗi mòng, mùi hôi thối khiến dân chúng tôi chịu hết xiết. Lần nào họp tổ dân phố bà con cũng hỏi, không biết bao giờ kênh Tham Lương mới hồi sinh” - chị Kim Phượng, nhà ở phường 15, quận Tân Bình, trông ngóng.
Chưa xác định thời gian hoàn thành
Trong báo cáo đầu năm 2015, Trung tâm Chống ngập TP (chủ đầu tư dự án) cho biết toàn tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài hơn 32 km. Tính đến tháng 1-2015 đã nạo vét hơn 28 km. Toàn tuyến cần phải xây dựng 134 cống thoát nước, hiện đã thực hiện 118 cống. Về giải phóng mặt bằng, hiện vẫn còn 395 hộ chưa bàn giao đất, dự kiến đến tháng 6-2015 mới thực hiện xong.
Ngày 1-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Chống ngập, cho biết hiện vẫn chưa thể trả lời khi nào dòng kênh Tham Lương - Bến Cát mới hồi sinh như tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. “Dự án chia làm nhiều giai đoạn. Hiện chỉ mới thực hiện gần xong phần giải phóng mặt bằng, nạo vét kênh. Phần lắp đặt hệ thống cống thu gom nước dọc bờ kênh vẫn đang thực hiện. Đây là phần việc có mức đầu tư rất lớn, chúng tôi đang lập phương án tìm nguồn vốn đầu tư từ Ngân hàng Thế giới. Khi nào thực hiện xong các hạng mục này mới có thể dùng nước sông pha loãng, thau rửa để nước kênh bớt ô nhiễm như ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”.
Theo ông Công, trong thời gian đợi dự án hoàn thành, để nguồn nước bớt ô nhiễm, các đơn vị liên quan cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý các nhà máy, cơ sở sản xuất xả nước thải ô nhiễm ra kênh.
Nhà máy xử lý nước thải chưa xong phần giải tỏa UBND TP.HCM vừa yêu cầu Công ty Đầu tư Xây dựng Thương mại Phú Điền (đơn vị thực hiện dự án Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên tại phường An Phú Đông, quận 12) phải xin ý kiến Bộ Xây dựng về điều chỉnh diện tích nhà máy này, sau đó mới tiếp tục giải phóng mặt bằng. Đây là công trình quan trọng của dự án cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Tuy nhiên, do khu vực xây nhà máy “đụng” khu biệt thự vườn (Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần thông tin) nên công tác giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm, đến giờ vẫn chưa xác định ngày khởi công nhà máy. Hơn hai năm trước, trong một cuộc giám sát của HĐND TP.HCM, lãnh đạo Trung tâm Chống ngập TP cho biết: Năm 2015, khi hoàn thành dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, tuyến kênh này sẽ hồi sinh giống như tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay. Thế nhưng tới nay dự án vẫn còn rất ngổn ngang… |