Để xem Clip tái chế kim loại, cao su đầu độc cả một vùng, vui lòng bấm vào đây.
Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 11 và đầu tháng 12-2014, lúc nào chúng tôi đến nơi cũng thấy những cột khói đen ngòm từ những cơ sở tái chế kim loại và cao su ngùn ngụt phun lên trời ngay phía sau KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM). Những cột khói này cùng chất thải của các cơ sở đầu độc cả vùng xung quanh…
Khói và mùi hôi nồng nặc
“Ngày thì khói đen mù trời, tối thì mùi hôi nồng nặc; tiếng lửa khò, tiếng nổ chát tai từ trong cơ sở phát ra nghe rất dễ sợ” - một người dân (xin giấu tên), sống gần cơ sở tái chế kim loại thuộc địa bàn ấp Bến Đò 1, xã Tân Phú Trung (Củ Chi), nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trước cổng cơ sở tái chế kim loại có ghi tấm biển: Công ty TNHH TMDV Lư Cẩm. Song do cơ sở này luôn đóng kín cổng nên rất ít người dân địa phương biết được cơ sở này sản xuất thứ gì.
Sau nhiều ngày tiếp cận và ghi hình, chúng tôi biết được bên trong cơ sở này có rất nhiều vỏ lon kim loại. Chúng được cho vào lò để nấu chảy và tái chế thành những sản phẩm như van khóa nước…
1. Cơ sở nấu dầu từ vỏ xe xả khói đen mù mịt suốt ngày đêm. Ảnh: T.TH
2. Xỉ tro từ cơ sở nấu cao su đổ tràn lan ra đất. Ảnh: T.TH
3. Cơ sở tái chế kim loại thải khói độc ra môi trường. Ảnh: T.TH
Cách cơ sở nấu kim loại khoảng hơn 1 km là một cơ sở nấu dầu từ cao su phế thải với quy mô lớn, ẩn sau những lùm cây rậm cũng hoạt động suốt ngày đêm. Cứ mỗi khi công nhân nhóm lò là mùi khét và khói đen tỏa ra cả một vùng trời. “May mà cơ sở này xa khu dân cư, nếu không chắc không ai chịu nổi” - một thanh niên câu cá ở kênh Tham Lương gần cơ sở nấu cao su nói xong đã thu cần câu bỏ đi vì chịu không nổi mùi khét lẹt đang xộc ra từ cơ sở này.
Chúng tôi vào gần khu vực sản xuất và nhận thấy có rất nhiều xe tải chở đế giày dép cao su đưa về đây để nấu thành dầu (loại dầu FO). Xỉ than đen đổ tràn trong khuôn viên nhà máy. Cơ sở này không ghi biển hiệu bên ngoài nên người dân địa phương không thể biết ở đây sản xuất gì.
Tiếp cận với công nhân, chúng tôi biết thông tin chủ cơ sở đã hoạt động nhiều năm nay…
Ban quản lý khu chế xuất chưa nắm!
Chúng tôi gọi điện thoại cho người chủ cơ sở tái chế cao su, đặt vấn đề cung cấp vỏ xe cũ. Khi chúng tôi lo ngại cơ sở hoạt động không phép, nếu bị xử lý sẽ không làm việc lâu dài…, người này trấn an chúng tôi: “Chuyện đó tôi lo được. Tôi đã làm ở đây nhiều năm rồi, chú cứ yên tâm”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT, nói do cơ sở nấu dầu từ cao su không có tên và địa chỉ cụ thể nên chưa thể trả lời ngay đơn vị này có giấy phép hoạt động hay không. Đối với Công ty Lư Cẩm, Thanh tra Sở sẽ liên hệ với địa phương hoặc Ban Quản lý KCX-KCN TP (Hepza) để nắm thêm thông tin. “Chúng tôi sẽ kiểm tra cả hai cơ sở và sẽ cung cấp thông tin cụ thể về sau” - bà Oanh cho biết thêm.
Theo ông Phạm Thanh Trực, Trưởng phòng Quản lý môi trường Hepza, Công ty Lư Cẩm nằm trong phần đất của KCN Tân Phú Trung. “Lúc trước tại địa điểm này có tổ chức tái chế nhớt gây ô nhiễm, đã bị cảnh sát môi trường xử lý. Còn chuyện tái chế kim loại chúng tôi chưa nắm cụ thể” - ông Trực nói.
Qua hình ảnh chúng tôi cung cấp, một cán bộ thanh tra Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT nhận định với những cột khói đen phun lên trời suốt ngày thì mức độ gây ô nhiễm là rất lớn. “Khói bụi mù trời như thế, đáng lẽ ra những đơn vị quản lý môi trường phải thấy và xử lý ngay” - vị này nói thêm.
Khói bụi kim loại dễ gây ung thư GS-TS Lê Huy Bá, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học và Quản lý công nghệ môi trường, cho biết: Khói đen từ cơ sở tái chế kim loại và nấu vỏ xe rất độc hại. Trong khói của cơ sở tái chế kim loại có nhiều kim loại nặng nên rất nguy hiểm. Nếu người dân hít phải, bụi kim loại sẽ tích tụ lâu ngày trong cơ thể và gây ung thư. Còn trong khói đen của cơ sở nấu vỏ xe thường có chất SO2 (lưu huỳnh dioxit), chất này cũng rất độc hại. |