Đó là nhận định của GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, tại hội thảo khoa học Bảo tồn và phát triển văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Hồng diễn ra ngày 23-6.
Theo ông Chương, làng xã đồng bằng sông Hồng hiện nay đua nhau hát nhạc trẻ, nhạc vàng, nhạc rock, rap, mở loa mạnh vang rầm cả xóm làng, lấn át hết tiếng chèo, tiếng dân ca. Như vậy còn đâu môi trường văn hóa dân tộc với những âm thanh dịu ngọt, lắng sâu vào tâm hồn con người.
Nói về thủ đô Hà Nội, trung tâm văn hóa của đồng bằng sông Hồng, ông Chương bảo: Hà Nội ngàn năm văn hiến, con người của Hà Nội xưa thanh lịch “chẳng thơm cũng thể hoa nhài”, thế mà bây giờ chính quyền TP phải ra bản quy tắc ứng xử, cấm ăn tục, nói khoác, ứng xử xưng hô thô thiển. “Sự suy thoái, xuống cấp văn hóa nhiều mặt ở đồng bằng sông Hồng đang trong thời kỳ báo động” - ông Chương nói.
Tuy nhiên, ông Ngô Tuấn Khiết, Phó ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), lại cho rằng trong quá trình bảo tồn văn hóa, cần phải xác định được cái gì nên bảo tồn, cái gì không nên, bởi “không thể níu kéo tất cả những gì từ quá khứ”.
Viện trưởng Viện Các vấn đề phát triển (VIDS) Thang Văn Phúc cho rằng chúng ta không thể ngăn được những thách thức từ hội nhập mà phải thích ứng được với nó, tiếp nhận những tinh hoa của các nền văn hóa khác để xây dựng được một mô hình văn hóa phù hợp phục vụ con người.
CHÂN LUẬN