Người ta mượn danh nghĩa phục hồi những lễ hội truyền thống của dân tộc nhưng thật ra là lợi dụng sự mê tín của quần chúng để kinh doanh là chính.
Việt Nam mỗi năm có đến hơn 8.000 lễ hội, mà hầu hết ban đầu chỉ là những lễ hội dân gian làng xóm, đã được phát triển rầm rộ, đình đám. Rồi thêm mấy “nhà nghiên cứu văn hóa” địa phương vẽ rắn thêm chân, sao chép, mô phỏng những “tuồng tích”, mang tính mê tín huyễn hoặc nhằm thu hút, mê hoặc những người nhẹ dạ cả tin. Rồi đám đông truyền miệng, rỉ tai, thổi phồng những phép màu thần bí tưởng tượng, không chỉ những người bình dân ít học mà cả nhiều người có địa vị, bằng cấp, các bạn trẻ sinh viên, học sinh cũng tham gia những trò được bày vẽ tại các lễ hội đầy tính mê tín như nhét tiền, dán tiền vào tay thần thánh để mong làm ăn khấm khá, hay đầu năm đi “vay” tiền tại lễ hội Bà Chúa Kho để làm ăn, cuối năm mang trả… có lãi nhiều lần bằng lễ vật (tương tự lễ hội Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang). Người ta lợi dụng niềm tin để buôn thần bán thánh. Đặc biệt, những hành vi phản cảm như giẫm đạp nhau cướp ấn, cướp lộc, theo tôi đó là những tàn dư của một thời mê muội.
Thế nhưng có một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian vừa qua bảo rằng đó là truyền thống văn hóa dân tộc! Cũng như gần hai năm trước, ngày 3-3-2015, tại một cuộc giao ban báo chí, nguyên phó Ban Tuyên giáo TP Hà Hội đã nói: “Cướp lộc đền Gióng là “cướp có văn hóa”” khi giải thích về những hình ảnh phản cảm tại hội Gióng. Có lẽ vì đó là “cướp có văn hóa” nên hội Gióng năm nay, hôm mùng 6 vừa khai hội, khi kiệu hoa tre rước đến đền Trình đã có một số thanh niên bay qua hàng rào nhảy vào cướp ngay!
Không chỉ tại các lễ hội dân gian mới có chuyện cướp lộc phản cảm mà đáng buồn thay, ngay tại một số chùa hiện nay cũng xảy ra chuyện cướp lộc. Trước đây hình như chỉ có cướp lộc ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội) thì vừa qua lại có thêm cướp lộc tại chùa Hương do một ông sư tung lên cho mọi người cướp giật ngay trong sân chùa. Khó có từ nào để diễn tả sự bức xúc của những Phật tử chân chính về chuyện này. Chùa là nơi tôn nghiêm để tín đồ hành hương chiêm bái Phật chứ đâu phải nơi để người ta đến để cướp lộc - dẫu được gọi với mỹ từ “lộc Phật” - bởi chính đức Phật đã dạy: “Hãy tự mình đốt đuốc mà đi”.
Chuyện buôn thần bán thánh thời nào cũng có nhưng hiện nay với cơ chế thị trường, cái gì người ta cũng mua bán. Người ta phục hưng, phục dựng nhiều lễ hội, trong đó có những cái lễ chẳng có giá trị văn hóa gì mà chỉ là để phục vụ kinh doanh. Đặc biệt, mảng “Du lịch văn hóa tâm linh” đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho ngành du lịch những năm qua. Năm nay dự kiến có từ 1,3 đến 1,5 triệu người đi lễ hội chùa Hương, mặc dù phí tham quan tăng 60% cùng các chi phí khác đều tăng. Tiếc là số đông đi chùa không để hành hương đúng ý nghĩa ban đầu mà đi chùa cúng tế cầu xin đủ thứ , đáng buồn hơn là những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa diễn ra ngay trước một lễ hội văn hóa lâu đời. Đỉnh điểm là chuyện một bà cụ lỡ giẫm phải chân một cô gái đã bị cả đám bạn cô ta hành hung đến ngất xỉu, mặc cho lời van xin của người cháu đi cùng và nhiều người can gián. Hành vi vô văn hóa ngay trước cổng chùa đã được post lên các trang mạng làm nhiều người cảm thấy đau lòng cho văn hóa thụt lùi, tỉ lệ nghịch với sự phát triển vật chất của một bộ phận người Việt hôm nay.