Chuyên gia ngôn ngữ học: Tên phim Tết đú - đú Tết quá phản cảm

Mới đây nhất, phim hài tết mang tênTết đú - đú Tết đã ra mắt khán giả. Bộ phim do Nam Minh Media sản xuất, đạo diễn Mai Long, biên kịch Doãn Tâm.

Phim có sự góp mặt của nhiều diễn viên gạo cội như NSND Quốc Anh, nghệ sĩ Trà My, NSƯT Đới Anh Quân, diễn viên Thuý Hà…

Dự kiến phim sẽ phát sóng trên nhiều kênh truyền hình trong cả nước từ đêm 30 Tết đến mùng 3 Tết Tân Sửu và trên YouTube.

Tuy nhiên, tên bộ phim đã vấp phải sự phản ứng của không ít bạn đọc. Có người cho rằng, từ đú là một từ tục trong đời thường, không nên được đưa vào tựa của một bộ phim dự kiến được phát rộng rãi trên truyền hình và YouTube.

Trao đổi với PLO, đạo diễn Mai Long cũng thừa nhận tên phim hơi suồng sã, đây cũng là điều được anh đề cập với biên kịch, tuy nhiên biên kịch của bộ phim là người đang công tác trong một đơn vị quân đội đã bảo lưu ý kiến của mình và đề nghị giữ nguyên tên phim.

Đú như là từ đua nhau. Nhưng từ đua là từ tích cực, từ đú là một từ tiêu cực, như là sự đú đởn tiêu cực về tết. Tết lẽ ra là tết thiêng liêng, tết sum vầy nhưng khi đặt từ đú ở đấy người ta biến thể hóa nhận thức của một số con người. Ở trong phim tết đã biến thể hóa trở thành một cớ để đua chen nhau giữa nhà nọ và nhà kia giữa dòng họ này với dòng họ khác”- đạo diễn Mai Long nói.

Vị đạo diễn này cũng cho biết, phim muốn mượn cái xấu để phản ánh cái tốt, để khuyên răn mọi người nên đến với nhau và bỏ qua cái ganh đua không đáng có, hợm hĩnh đó đi mà phải tập trung vào tình cảm, thiêng liêng.

Anh cũng cho rằng, tên phim không mang lại hiệu quả về mỹ từ nhưng so đi tính lại thì cũng phản ánh được tổng thể của bộ phim. “Có thể tên không được mĩ miều, nếu là văn học, thơ ca, lãng mạn văn học thì không nên dùng từ đó, nhưng là phim hài thì một là gợi tính tò mò đú gì ở đây, kể cả tên xấu nhưng bản chất bên trong nó đẹp thì câu chuyện nó khác. Nhiều người đánh giá rằng tên không được hay và có thể phim không hay thì không hẳn”- anh bày tỏ.

Đạo diễn Mai Long cũng dẫn chứng đời thường rằng, cũng như con người ngày xưa các cụ đặt tên xấu để tránh tà ma chẳng hạn, nhưng bản chất con người đó vẫn đẹp.

“Đôi khi tên không được hay, chưa được mĩ miều nhưng nội dung phản ánh chân thật, không lố lăng, không bậy bạ và thấm nhuần văn hóa của Việt Nam và không ảnh hưởng gì đến văn hóa dân tộc, giữ gìn tết thiêng liêng trong không khí ấm cúng”- đạo diễn phim Tết đú- đú Tếtnói.

Trao đổi với PLO về tên bộ phim, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam bày tỏ: “Tôi không hiểu sao lại có cái tên phim như thế”.
Theo ông, từ "đú" trong tiếng Việt là một từ thông tục, rất thô lỗ. Từ "đú" có các từ phái sinh như "đú đởn", "đú đa đú đởn" chỉ hành vi đùa cợt không đứng đắn.
“Thành ngữ tiếng Việt có câu "Voi đú, chuột chù cũng đú" hay "Voi đú, chó đú, lợn sề cũng đú"... để chỉ hiện tượng đua đòi, bắt chước, không phải lối, trở nên lố bịch, kệch cỡm, rất đáng khinh bỉ. "Đú" trong nhiều ngữ cảnh còn tạo nên liêng tưởng tục tĩu. VD: Chúng nó đú như bọn "phò" ấy (ám chỉ quan hệ tình dục bừa bãi, xấu)”- PGS.TS Phạm Văn Tình nói.
Từ đó, ông cho rằng, lấy từ "đú" đặt tên phim là "Đú Tết" quá phản cảm. “Tôi chưa rõ đây có phải là một từ phương ngữ nào đó mang nghĩa trung hòa không. Nhưng nếu có cũng không thể dùng. Vì từ này là một từ trong tiếng Việt toàn dân không hay chút nào”- ông bày tỏ.

3 lý do không thể bỏ qua sitcom hài Tết: Rể quý đầu xuân
3 lý do không thể bỏ qua sitcom hài Tết: Rể quý đầu xuân
(PLO)- Tái hiện nét đẹp Tết xưa và phác họa nỗi trăn trở về đường tình duyên cho con cái của bậc cha mẹ, Nhật Cường, Nam Thư, Lê Dương Bảo Lâm đã mang lại tiếng cười ý nghĩa cho khán giả Việt trong Sitcom hài Tết - Rể quý đầu xuân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm