Là một trong những ca sỹ có tuổi nghề ca hát gần như gắn liền với quá trình phát triển của đất nước từ những năm sau giải phóng 1975, NSƯT Tạ Minh Tâm luôn đặc biệt được công chúng yêu mến với những ca khúc truyền thống cách mạng bên cạnh dòng nhạc thính phòng cổ điển.
Trong không khí cả nước hướng tới chào mừng kỷ niệm 39 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, PV Dân trí đã có một cuộc trò chuyện với NSƯT Tạ Minh Tâm, một trong những người đã để lại dấu ấn sâu đậm cùng ca khúc Đất nước trọn niềm vui của cố nhạc sỹ Hoàng Hà.
“Đất nước trọn niềm vui” như là một phần máu thịt của tôi”
Nói về ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”, anh có thể chia sẻ một chút kỷ niệm về ca khúc này? Khoảng thời gian mà anh và ca khúc gắn bó với nhau hẳn không phải là ngắn?
Nói về Đất nước trọn niềm vui, tôi và bài hát này gần như gắn bó song hành với nhau trong suốt sự nghiệp ca hát của mình. Ngay từ khi ra đời vào năm 1975 và được phổ biến trên sóng phát thanh radio, tôi đã được làm quen với ca khúc. Tuy nhiên, thời điểm này, tôi còn là một cậu học sinh trung học phổ thông ở An Giang. Vậy nên lúc đó, tôi chỉ mới được tiếp xúc với ca khúc thông qua phong trào văn nghệ học sinh, sinh viên. Không chỉ riêng tôi mà hầu như người dân An Giang nào, hay bất cứ nơi đâu cũng đều dành một tình cảm đặc biệt cho ca khúc này. Với giai điệu hào hùng, vui tươi, rộn ràng, lời ca ý nghĩa, thúc giục, Đất nước trọn niềm vui thật sự là một tác phẩm kinh điển của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Bài hát kể từ sau giải phóng cũng đã được khá nhiều ca sỹ trình bày. Riêng tôi cũng gắn liền với ca khúc suốt gần 40 năm cho đến hiện giờ, chắc chắn đó là một dấu ấn không bao giờ quên trong cuộc đời ca hát của tôi.
Ngoài cảm xúc hạnh phúc ra, tôi cũng cảm thấy rất tự hào khi được song hành cùng ca khúc này suốt mấy chục năm qua. Cho đến giờ, khi tham gia các chương trình biểu diễn, rất vui là tôi vẫn được đông đảo khán giả yêu cầu trình bày bài hát này. Vì vậy, ca khúc mang một ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp ca hát của tôi như một điều gì đó rất thủy chung, gắn bó và xen lẫn cả niềm tự hào, hãnh diện nữa.
So với thời điểm trước đây thì cảm xúc của anh khi hát ca khúc này khác nhau như thế nào? Cảm xúc này có thay đổi theo tháng năm?
Chắc chắn là có sự khác nhau rồi. Hồi trước, khi chưa qua trường lớp đào tạo, tôi và bạn bè chỉ hát với tinh thần yêu ca hát là chính nhưng càng về sau, khi được gắn bó với ca khúc nhiều hơn, qua mỗi một giai đoạn, hoàn cảnh sống cũng khác, ca khúc được nâng cao hơn về kỹ thuật, hòa âm, phối khí…thì cảm xúc khi hát cũng sẽ khác và mang một hơi thở mới. Nhưng dù cảm xúc thế nào đi nữa thì ca khúc vẫn như một phần máu thịt của tôi rồi, lúc nào cũng hát với một sự đĩnh đạc, tự hào và ngập tràn hạnh phúc.
Ngoài “Đất nước trọn niềm vui”, anh còn ca khúc cách mạng nào nhận được tình cảm của khán giả dành cho mình không?
Như mọi người cũng biết, tôi hát nhạc cách mạng cũng rất nhiều nhưng có lẽ, vì Đất nước trọn niềm vui đã để lại quá nhiều dấu ấn với người nghe nên khán giả thường nhắc đến cái tên Tạ Minh Tâm với ca khúc này hơn. Ngoài ca khúc nổi tiếng này, tôi còn hát rất nhiều bài và đặc biệt những tác phẩm được phát hành trong album Tình ca đỏ trước đây, cũng đã nhận được tình cảm của khán giả rất nhiều.
“Ca khúc cách mạng là những bài học lịch sử bằng âm nhạc giá trị của dân tộc”
Là một người có thâm niên trong hoạt động âm nhạc, anh nhìn nhận ra sao về tình hình chung của âm nhạc Việt Nam hiện nay và riêng dòng nhạc tiền chiến cách mạng có một vị trí như thế nào trong đời sống âm nhạc đương đại?
Trước tiên, nói về tình hình âm nhạc chung của Việt Nam bây giờ, có thể gọi là “phức tạp”. Tôi gọi là phức tạp chứ không phải đa dạng. Bởi vì nó xuất hiện quá nhiều thể loại âm nhạc nhiều khi khó hiểu đến mức thô thiển, lệch lạc và thậm chí làm hư hỏng tai nghe của các bạn trẻ. Các bạn dường như chú trọng phần nhìn nhiều hơn phần nghe trong các tác phẩm, mặc dù vẫn được đầu tư rất kỹ. Tôi có thể đưa ra một ví dụ: Một video ca nhạc được đầu tư lớn về mặt hình ảnh, khi bạn tắt đi phần tiếng, bạn chỉ xem hình, bạn thấy nó rất đẹp, nó rất giá trị, lung linh nhưng nếu bạn tắt đi phần hình và chỉ để lại âm thanh, liệu ca khúc đó thật sự có giá trị hay không? Vậy, chức năng của âm nhạc thời nay là bằng tai hay bằng mắt? Âm nhạc là sự đầu tư về ca khúc là chính nhưng có lẽ giới trẻ bây giờ đã có một sự thay đổi khái niệm về âm nhạc rồi chăng?!
Riêng về mảng ca khúc tiền chiến cách mạng, một minh chứng rất rõ ràng là, mặc dù âm nhạc của giới trẻ hiện nay phát triển cũng rất đa dạng, nhưng với mỗi dòng nhạc, tôi nghĩ đều có một vị trí và con đường riêng của nó. Bằng chứng là các ca khúc cách mạng hào hùng vẫn luôn được vang lên vào những ngày lễ lớn của đất nước hoặc những dịp lễ hội mà do chính các bạn trẻ tổ chức. Có thể, do sự ồn ào của nhạc trẻ lấn át nên mọi người cảm thấy dòng nhạc tiền chiến cách mạng có vẻ bình lặng hơn. Nhưng tôi cho rằng, giá trị của dòng nhạc này sẽ luôn bền vững, không bao giờ mai một và sẽ mãi trường tồn theo thời gian với vị trí riêng của mình.
Như vậy, trong vai trò của một Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM, anh làm cách nào để giới trẻ mà cụ thể là các sinh viên của mình luôn nhận thức được giá trị cũng như không “lãng quên” dòng nhạc tiền chiến cách mạng trong kho tàng chung của âm nhạc Việt Nam?
Không riêng gì mảng âm nhạc cách mạng, Nhạc viện TP.HCM là nơi đào tạo rất nhiều lĩnh vực âm nhạc khác nhau. Và trong bất cứ chương trình giảng dạy nào, chúng tôi vẫn có những môn học định hướng về tư tưởng văn hóa nghệ thuật cho sinh viên, giúp các bạn luôn nhận thức và nhớ về cội nguồn, những bản sắc và giá trị nghệ thuật của dân tộc, của đất nước. Về khía cạnh nổi tiếng hay không, chúng tôi chưa nói đến vì đó còn là cái duyên của các em sau khi ra trường nhưng về mặt tư tưởng nghệ thuật thì chúng tôi luôn tin một điều rằng, các sinh viên luôn được định hướng và truyền đạt tốt nhất nếu các em thật sự đầu tư nghiêm túc cho việc học của mình. Và tôi cho rằng, ca khúc cách mạng chính là những bài học lịch sử bằng âm nhạc có giá trị của dân tộc.
Thế nhưng, một thực tế khác có thể thấy rõ là, những năm gần đây, xu hướng của các cuộc thi âm nhạc mang tính giải trí nhiều hơn. Nếu như thời điểm trước, các ca khúc cách mạng thường được thí sinh lựa chọn biểu diễn và khán giả cũng rất yêu thích thì hiện nay, gần như là rất hiếm. Anh có nghĩ cả thí sinh và khán giả đang “quay lưng” với dòng nhạc này?
Về việc ngày càng vắng bóng các ca khúc cách mạng trong các cuộc thi như bạn phản ánh là đúng với tình hình hiện nay. Và có thể giải thích như thế này: Trong kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam, số lượng ca khúc của mảng này là rất lớn nhưng hầu như các thí sinh đi thi năm này qua năm kia chỉ lựa chọn một vài bài quen thuộc, nổi tiếng để “khoe” chất giọng của mình. Vì đa số các bài hát cách mạng không phải dễ hát, đòi hỏi kỹ thuật rất cao mà các bạn trẻ hiện nay thì thể hiện chưa “tới”. Các bạn vẫn lựa chọn những bài cũ và trình diễn với cách hát an toàn, không có gì mới hay khác biệt. Vì vậy, việc nhàm chán và quay lưng của khán giả cũng không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khán giả chỉ quay lưng với cuộc thi chứ không quay lưng với dòng nhạc tiền chiến cách mạng. Bởi thực tế là dòng nhạc này vẫn tồn tại và sống mãi với thời gian bằng chính giá trị trường tồn của nó theo năm tháng.
Xin cảm ơn NSƯT Tạ Minh Tâm về cuộc trò chuyện này!
Theo Trí Hòa (Dân trí)