Giỗ tổ sân khấu ấm cúng trong mùa dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-8 âm lịch hằng năm là ngày giỗ tổ sân khấu. Đây là ngày của những người hoạt động nghệ thuật thắp nén hương bày tỏ lòng nhớ ơn tổ nghiệp, cũng là dịp để gặp gỡ, chuyện trò vui buồn nghề nghiệp suốt một năm qua. Với những người hoạt động nghệ thuật, ngày 12-8 âm lịch giống như ngày tết đặc biệt.

NSƯT Trịnh Kim Chi dâng hương trong ngày giỗ tổ của năm 2019. Ảnh: NVCC

Quan trọng là lòng thành

Bàn thờ tổ hằng năm thường có những món truyền thống như heo quay, gà, bánh hỏi, xôi chè cùng những dụng cụ của nghề hát xướng như thỏi son, hộp phấn, lược, gương... Những năm trước, trong khoảng ba ngày giỗ tổ 11, 12 và 13-8 âm lịch, các sân khấu như Idecaf, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, Trịnh Kim Chi… đều tổ chức lễ giỗ tổ trang trọng để các nghệ sĩ về thắp hương tri ân, gặp gỡ và hàn huyên. Người dân TP cũng thỏa sức thưởng thức các chương trình mừng ngày lễ trọng đại này.

Năm nay, ngày giỗ tổ không tổ chức được ở sân khấu, NSƯT Trịnh Kim Chi, Giám đốc Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết chị tổ chức ở nhà. Chị sẽ thông báo cho anh em nghệ sĩ của mình ngày, giờ dâng hương để mọi người biết cùng cúng vọng và thắp hương cầu nguyện xin tổ phù hộ cho sân khấu TP.HCM và sân khấu cả nước sẽ sớm sáng đèn trở lại…

Nhiều nghệ sĩ tâm sự năm nay, do dịch bệnh, TP đang thực hiện giãn cách xã hội nên lễ vật có thể sẽ không được đầy đủ như mọi năm. NSƯT Trịnh Kim Chi quan niệm lòng thành kính, sự chuyên nghiệp, nghiêm túc trong nghề nghiệp mới là lễ vật quan trọng nhất dâng tổ. “Có người chỉ mua miếng thịt heo quay, con gà hay là ít trái cây, có gì đặt lên cúng nấy, không cầu kỳ. Tôi tin ông tổ sẽ phù hộ cho người biết chuyên tâm làm nghề, trân trọng nghề nghiệp…” - Trịnh Kim Chi bày tỏ quan điểm.

Ca sĩ Quốc Đại chia sẻ mọi năm, ngày giỗ tổ là ngày anh chị em nghệ sĩ có dịp gặp nhau, chia sẻ những vui buồn trong năm qua nhưng năm nay đã khác. “Có lẽ sẽ có những nén hương cùng nhau thắp ở những điểm công tác khác nhau. Có lẽ sẽ không đầy đủ như mọi năm nhưng Quốc Đại nghĩ chuyện đó không thành vấn đề, miễn sao trong lòng ta có đủ niềm tin về tổ. Là một người không đặt nặng vấn đề hình thức nên Quốc Đại nghĩ quan trọng là tấm lòng mình thôi!” - Quốc Đại trải lòng.

Tổ chức cúng tổ theo hình thức trực tuyến

Hầu hết nghệ sĩ sân khấu tại TP.HCM đều tổ chức cúng tổ tại nhà nhân ngày truyền thống sân khấu Việt Nam, 17 và 18-9 (tức ngày 11 và 12-8 âm lịch). Các nghệ sĩ giỗ tổ tại nhà và giao lưu, đàn hát trực tuyến.

Trên trang cá nhân, các nghệ sĩ sân khấu tại TP.HCM đều cho biết đã chuẩn bị bàn thờ và những vật phẩm cúng giỗ tổ. NSƯT Thành Lộc chia sẻ trên trang cá nhân: Ngày giỗ tổ năm nay, nghệ sĩ sân khấu Idecaf thắp hương dâng tổ tại nhà từ lòng thành kính.

Đạo diễn Thanh Hiệp kể: “Mọi năm, tại TP.HCM, ngày giỗ tổ sân khấu thường được tổ chức vào hai ngày 11 và 12-8 âm lịch, tôi đến thắp hương tại Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM (133 Cô Bắc, quận 1, TP.HCM), nơi đặt bàn thờ tổ nhớ ơn những bậc tiền nhân đã khai sáng đạo hát và các nghệ sĩ tiền bối đã có công kiến tạo nền sân khấu dân tộc.

Sau đó, tôi và các thành viên trong Ban chấp hành Hội Sân khấu TP.HCM, Ban Lý luận phê bình đến thắp hương tại các sân khấu thường xuyên sáng đèn như Nhà hát Trần Hữu Trang, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM, Nhà hát Kịch TP.HCM… Tôi và các học trò gồm 15 bạn diễn viên, nghệ sĩ đã gắn bó hơn 10 năm với Câu lạc bộ Sân khấu Lạc Long Quân quây quần tại bàn thờ tổ bên quận 4 (TP.HCM) để dâng hương và ôn lại truyền thống sân khấu dân tộc.

Tiết mục mở gói lộc tổ là vui nhất, khi các thành viên bốc thăm để nhận các món quà gắn liền với nghệ thuật như son, phấn, đạo cụ, trang phục, quạt, các bức ảnh chân dung của các bậc thầy nổi tiếng trong giới sân khấu…

Năm nay, trong tình hình giãn cách xã hội sẽ không còn không khí lễ giỗ tổ như mọi năm vì mọi người phải tuân thủ việc đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19. Chúng tôi hẹn nhau sẽ tổ chức cúng tổ theo hình thức trực tuyến. Bàn thờ tổ vẫn được dựng tại địa điểm mà Câu lạc bộ Sân khấu Lạc Long Quân thường tổ chức tập dượt, sau đó các thành viên sẽ cùng chat họp mặt để dâng hương.

Tôi nghĩ rằng dù không tụ họp được trong ngày giỗ tổ truyền thống nhưng mỗi nghệ sĩ ở tại ngôi nhà của mình vẫn có thể tổ chức bàn thờ nhỏ để cúng tổ. Không cần đầy đủ lễ vật, chỉ bằng sự thành tâm khấn nguyện dâng lên tổ nghiệp lòng biết ơn sâu sắc và nguyện đoàn kết để chung sức đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa sàn diễn sáng đèn trong cuộc sống bình thường mới”.

 

Hoãn lễ tưởng niệm các nghệ sĩ đã qua đời

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Trưởng Ban Ái hữu Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết: Do tình hình dịch bệnh chưa ổn định nên Hội Sân khấu TP.HCM đã quyết định hoãn tổ chức lễ giỗ tổ và lễ tưởng niệm các nghệ sĩ đã qua đời trong đại dịch tại nhà thờ tổ (133 Cô Bắc, quận 1, TP.HCM).

Sau khi TP cho phép hoạt động trở lại, Hội Sân khấu TP.HCM sẽ tổ chức lại lễ dâng hương và lễ tưởng niệm các nghệ sĩ đã mất do COVID-19 vào một ngày khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm