Giới trẻ TP.HCM thích đọc sách gì nhất?

Ngày 14-6, Hội Xuất bản Việt Nam – Văn phòng đại diện phía Nam tại TP.HCM đã công bố kết quả khảo sát “Niềm tin và thói quen đọc của giới trẻ tại TP.HCM”. Trong đó có kết quả về câu hỏi giới trẻ TP.HCM đang thích đọc gì nhất? Câu trả lời là truyện tranh.

Việc khảo sát được tiến hành trong hai tháng, với 1.600 phiếu khảo sát được thực hiện với các đối tượng, học sinh cấp 1: 400 phiếu; học sinh cấp 2: 400 phiếu; học sinh cấp 3: 200 phiếu; sinh viên cao đẳng và đại học: 400 phiếu; phụ huynh,  giáo viên: 200 phiếu.. Cuộc hảo sát được tiến hành theo phương pháp ngẫu nhiên, bao gồm tại các khu vực nội thành và ngoại thành TP.HCM.

Đại sứ Thụy Điển giới thiệu văn hóa của nước ông qua quyển sách dịch Lagom đến giới trẻ TP.HCM. Ảnh: Hòa Bình.

Kết quả cho thấy: Có 42% học sinh cấp 1, và 36% học sinh cấp 2 được hỏi đã trả lời là có thích đọc sách theo cấp độ là từ mê đọc đến thích đọc. Có 86% học sinh cấp 1 và 95% học sinh cấp 2 cho rằng việc đọc sách cần thiết cho việc học theo các mức độ rất cần thiết, cần thiết và đôi khi cần thiết. Có 23% học sinh cấp 1 cho biết cha mẹ thường xuyên bắt buộc, khuyến khích đọc sách; 20% trả lời cha mẹ thỉnh thoảng làm điều này; 33% trả lời cha mẹ không bắt buộc, chỉ khuyến khích con đọc sách; và 24% trả lời cha mẹ không bao giờ bắt hay khuyến khích đọc sách. Với học sinh cấp 2, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, anh chị, ông bà , theo thứ tự, là những người khuyên, khích lệ các em đọc sách.

Với học sinh cấp 3, kết quả như sau: 68% học sinh cấp 3 được hỏi đồng ý đọc sách là niềm yêu thích. 70% học sinh được hỏi đồng ý việc học có tầm quan trọng với kết quả học tập của bản thân. 73% đồng ý cho rằng việc đọc giúp phát triển trí tuệ của bản thân.

Với câu hỏi Mục đích của việc đọc là gì ở học sinh cấp 3, thì 42,1% nói để phục vụ việc học; 25,9% nói để thư giãn giải trí; 22,3% nói để mở rộng kiến thức. Những người có ảnh hưởng đến việc đọc sách của học sinh cấp 3, theo thứ tự trả lời của các học sinh được hỏi là thầy cô, bạn bè, anh chị em... Có 34% học sinh cấp 3 được hỏi trả lời rằng thích việc thầy cô hay cha mẹ yêu cầu đọc sách, đọc tài liệu; 26,5% lại không thích điều này.

TP.HCM xây dựng Đường Sách TP.HCM thành không gian khuyến đọc. Ảnh Hòa Bình.

Với sinh viên cao đẳng -đại học, kết quả cho thấy: 58% bạn được hỏi cho rằng việc đọc là niềm vui thích. 34% cho  rằng đọc sách còn có mục đích phát triển tinh thần. 33% đồng ý người đọc sách thường xuyên hạnh phúc hơn, hài lòng với cuộc sống hơn, có nhiều khả năng cảm thấy những chuyện mình làm trong cuộc sống đáng giá hơn. 18% đồng ý việc đọc dẫn đến thành công trong học tập. 14% đồng ý ngừng đọc là ngừng tư duy. 72% sinh viên được hỏi trả lời rằng một cuốn sách hay, một câu châm ngôn, một lời nói hay ảnh hưởng đến việc đọc của mình.

Kết quả khảo sát ghi nhận 63% học sinh cấp 1 trả lời rằng thích chơi ipad hơn là đọc sách hay chơi điện thoại. 63% học sinh cấp 2 được hỏi cho biết đã  từng sử dụng các thiết bị điện tử như ipad, điện thoại, máy tính. Có 59% học sinh cấp 1, và 38% học sinh cấp 2 được hỏi trả lời loại sách mình thích đọc nhất là truyện tranh; đây là tỉ lệ lựa chọn cao nhất ở câu hỏi này.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt – một chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản cho rằng:  “Lâu nay đề cập đến việc phát triển văn hóa đọc, ta thường căn cứ vào số lượng sách được xuất bản trong năm đem chia cho tổng dân số Việt Nam để ra con số một người dân đọc bao nhiêu cuốn sách trong năm. Từ đó nhận định sức đọc của người Việt kém hoặc những nhận định rất cảm tính khi cho rằng giới trẻ ngày nay quay lưng với văn hóa đọc… Theo chúng tôi, cốt lõi của chiến lược phát triển văn hóa đọc, vốn được xem là mục tiêu hàng đầu trong xây dựng thành phố, quốc gia học tập chính là niềm tin, thói quen, hành vi, kiến thức đọc”,.

Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội Xuất bản TP.HCM cho biết: Từ kết quả cuộc khảo sát, nhiều giải pháp đã được đưa ra để tác động đến văn hóa đọc ở giới trẻ. Giải pháp cốt lõi và đầu tiên chính là tạo dựng niềm tin nơi người đọc, cần truyền thông và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, gia đình, nhà trường một cách thường xuyên. Đồng thời vận động các tổ chức xã hội, nhóm cộng động trẻ thực hiện các kênh Youtube về sách lành mạnh, hấp dẫn có sức cuốn hút, dẫn dắt, định hướng cho mọi người. Đưa ra danh sách những quyển sách hay cần đọc cho giới trẻ tùy lứa tuổi…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm