Lý do Nhà xuất bản Trẻ mời hai nhà văn trên giao lưu ở chủ đề này bởi họ đã sống trọn tuổi thơ của mình tại Sài Gòn, lớn lên, làm việc, sinh sống, già đi cũng tại Sài Gòn, chứng kiến sự đổi thay của Sài Gòn.
Hơn thế nữa, cả hai tác giả này đều có những tác phẩm ghi đậm dấu ấn về Sài Gòn của một thời đáng nhớ. Nhà văn Lê Văn Nghĩa có các tác phẩm Mùa hè năm Petrus; Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy được công nhận đậm chất đời sống thị dân Sài Gòn trước 1975. Nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng có những tác phẩm viết về thanh thiếu niên Sài Gòn một thời với nhiều nếp sống, tâm tư tình cảm của dân thành thị, chẳng hạn tác phẩm Không có gì và không một ai.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa (bìa phải) và nhà văn Nguyễn Đông Thức cùng MC Xuân Huy giao lưu cùng độc giả.
Hai nhà văn đã kể về tuổi thơ của mình ở những xóm nhỏ Sài Gòn. Họ cũng nghịch ngợm, tham gia các trò đánh nhau, bắn bi... Song, theo họ, con nít Sài Gòn ngày trước dù quậy phá đến đâu cũng biết giữ lễ nghĩa với người lớn, quan tâm giúp đỡ bạn bè. Thầy cô thời ấy luôn nghiêm khắc nhưng gần gũi, thương yêu học trò và luôn được học trò giúp đỡ… Đó là những nét đẹp trong đời sống nay đang dần bị phai nhạt.
Hai nhà văn cũng nhắc đến tính cách hào sảng, tương thân tương ái, rộng tay giúp đỡ bảo bọc nhau của người Sài Gòn. Tính cách ấy làm nên đặc trưng của vùng đất này mà những lưu dân nhiều thế hệ đến đây sinh sống đều kế thừa, gọi đó là đặc điểm của Sài Gòn.
Với hai nhà văn và với cả những độc giả tìm đến tham dự buổi giao lưu, viết, nói, nghe về chuyện Sài Gòn khi xưa như là một sự hoài nhớ, níu giữ những ký ức đẹp, gửi gắm mong mỏi về sự tốt đẹp cho Sài Gòn bây giờ và về sau.