Ngày 19-4, Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam và Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức buổi tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ”.
Đây là hoạt động nhằm tìm ra những giải pháp, kiến nghị và tham mưu để UBND TP.HCM có những chỉ đạo cụ thể trong việc thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Tại đây, số liệu từ Cục Xuất bản Việt Nam đưa ra cho thấy tình trạng rất đáng báo động về việc đọc sách của người Việt. Thống kê cho thấy trung bình mỗi năm một người Việt Nam đọc chỉ khoảng một quyển sách.
Một cuộc khảo sát cũng cho thấy 98% số người được hỏi không đọc sách tuần qua. 80% không đọc sách một năm qua. 70% cho biết chỉ học chứ không đọc thêm sách, tài liệu tham khảo. Chỉ 12% người được hỏi cho biết có đọc các sách, truyện khác ngoài chuyên môn.
Đông đảo các nhà nghiên cứu, các nhà văn hóa, các nhà giáo đã tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Hòa Bình.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh - giảng viên khoa ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội, người sáng lập và điều hành dự án Phát triển văn hóa đọc "Sách ơi mở ra", cho biết: “Theo nghiên cứu khoa học, những đứa trẻ dành thời gian đọc trung bình 20 phút một ngày sẽ thu được 1,8 triệu từ một năm và thường đạt kết quả loại A trong học tập. Trong khi những đứa trẻ đọc trung bình 5 phút một ngày chỉ thu được 282.000 từ một năm và thường chỉ đạt kết quả học tập loại B. Những đứa trẻ chỉ đạt kết quả loại C trong học tập chỉ đọc trung bình một phút một ngày, và chỉ thu được một lượng từ vựng ít ỏi - 8.000 từ một năm”.
Nhà báo Lê Nam hiện đang sống và cho con đi học ở Singapore cũng cung cấp từ kinh nghiệm thực tế qua việc học của con mình: “Ở Singapore một năm học có bốn học kỳ, có hai kỳ nghỉ ngắn 10 ngày và hai kỳ nghỉ dài 5 tuần. Giữa các kỳ nghỉ ngắn học sinh phải đọc ít nhất 10 quyển sách, kỳ nghỉ dài phải đọc ít nhất 25 quyển, và phải làm nhật ký đọc sách – reading journal (bao gồm tên sách, tác giả, số lượng trang, ngày bắt đầu đọc, ngày kết thúc…) để nộp cho giáo viên. Giáo viên có thể kiểm tra ngẫu nhiên về các quyển sách học sách đã đọc”.
Nguyên nhân của việc ít đọc sách của người Việt hiện nay được chỉ ra theo báo cáo đề dẫn buổi tọa đàm là do người Việt ngày càng không có thói quen đọc sách. Giải pháp cho vấn đề này được các nhà chuyên môn đưa ra là: Tăng cường các tiết đọc sách ở trường học, cải tiến các thư viện ở trường học, tăng lương cho người làm công tác thư viện trường học bên cạnh đòi hỏi chuyên môn làm công tác thư viện tăng cao…
Ông Từ Lương – Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM đã đưa ý kiến: "Việc đưa hoạt động đọc sách thường xuyên đầu giờ, có tiết đọc sách cố định tuần đầu, đầu tháng là giải pháp cho việc tạo thói quen đọc sách cho học sinh. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM tham mưu cho UBND TP.HCM tổ chức thí điểm các tiết đọc sách trong các trường công lập trên địa bàn TP. Cần tôn vinh những người đọc sách như một cách nêu gương. Ở Úc, học sinh tiểu học được đánh giá thông qua việc đọc sách hàng năm và thủ hiến của bang sẽ khen thưởng lớn, thậm chí có khi thủ tướng liên bang cũng tặng bằng khen là ví dụ".