Dịch đợt hai đã đến sát với từng người dân Đà Nẵng, vùng phong tỏa gần như khu trung tâm của quận Hải Châu. Ba bệnh viện lớn trong một khu vực cùng cách ly, nghĩa là cơm ăn nước uống tại khu cách ly với mấy nghìn người trong bệnh viện chưa kể người dân trong mấy khu vực chung quanh cũng nằm trong diện phong tỏa.
Món ăn từ bên ngoài tiếp tế bằng khả năng có thể. Và thật cảm động hết sức với những nhu yếu phẩm, nước uống, vitamin, hộp sữa... từ các tổ chức cá nhân, từ các mạnh thường quân xếp hàng gửi vào khu cách ly.
Sả vườn nhà. Ảnh: LƯU BÌNH
Những nhiêu khê, sự vụ nảy sinh từ những hành động tiếp tế của người dân có tấm lòng là điều không tránh khỏi. Bỏ qua mọi điều phiền hà, chúng ta, những người dân Đà Nẵng vẫn ghi nhận những tấm lòng của người Đà Nẵng.
Người dân Đà Nẵng đêm hôm đã không quản sự giãn cách và nguy cơ nhiễm bệnh của bản thân để đi mua sắm và cung cấp nhu yếu phẩm cho những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống "giặc virus". Tất cả là lòng thành mà chúng ta không nên quên.
Để những cán bộ y tế trong khu cách ly dùng những món gì ngon miệng. Và để giấc ngủ họ thật sâu thật khó kiếm thay. Cơm có nóng cũng không thể bằng cơm nhà. Nhạt miệng và thèm lắm bữa cơm nhà là điều thường xuyên xảy ra với những chiến sĩ áo trắng.
Vườn sả nhà tôi được mùa để gửi chút tấm lòng đến những chiến sĩ ngày đêm chống dịch...
Bà chị tôi có những sáng kiến thật hay, nhỏ mà thấm tình như chăm sóc những người thân khi chị nhớ món ruốc thịt mặn miệng chia cho các khoa, phòng ngày giãn cách.
Để chuẩn bị cho món ruốc sả chị tôi hái sả từ vườn. Mùa dịch cây sả lại được dùng nhiều nhất. Sả nấu nước uống, chanh sả mật ong cho ra món nước chống virus đang được quảng cáo ngập tràn trên mạng. Và may thay vườn sả nhà tôi được mùa để gửi chút tấm lòng đến những chiến sĩ ngày đêm chống dịch..
Chuẩn bị món ruốc sả nguyên liệu gồm: Sả cắt nhỏ, xay mịn, nhiều nhiều sả; Thịt heo ba chỉ cắt vuông cạnh nhỏ 2 ký; Mắm ruốc Huế nửa ký; Ớt, đường, tỏi,...
Thịt heo sau khi cắt nhỏ xào lăn trên bếp cho săn đến cháy cạnh, ra chút mỡ thì bỏ sả đã xay vào xào. Sả chín thơm cùng thịt trên bếp thì mới cho ruốc vào, rim lửa nhỏ trên bếp đến khi nào ruốc đã quyện vào trong thịt, cho món ruốc dẻo gần giống mắm kho quẹt là được.
Nêm nếm cho món ruốc sả thì dễ dàng, mắm ruốc đã sẵn vị mặn, độ ngọt của mắm, chỉ gia giảm chút đường chút ớt là đã ngon.
Món thịt ruốc sả đưa cơm ngày giãn cách chống dịch ấm áp tình người Đà Nẵng.
Chị tôi đã làm những hủ ruốc thịt như vậy gửi cho các y bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện trong những ngày cách ly. Món đó dễ ăn, dễ gửi, để được lâu trong những ngày khó khăn.
Món ruốc sả như một món lương khô mà bà mẹ Việt nào cũng biết làm mỗi khi con đi xa.
Tôi chợt nhớ những lọ ruốc sả ngày còn đi học mẹ đã từng làm gửi cho con gái của những năm tám mươi. Từ hôm 27-7, Đà Nẵng gặp đại dịch COVID-19 đến nay chưa về thăm mẹ lòng bồn chồn nhớ mẹ khôn nguôi.
Nghĩ những điều vụn vặt giữa mùa giãn cách, bớt nhìn con số để thấy đời nhẹ nhàng hơn...
(PLO)- Rất nhiều người dân Đà Nẵng đang bằng những hành động thiết thực "tiếp sức" cho các y bác sĩ tham gia chống dịch COVID-19.