Được tham gia trong một chuyến đi thiện nguyện của nhóm bạn trẻ ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, tôi đã rất vui và cảm phục về những gì mà nhóm các bạn trẻ này đã làm được.
Anh Phạm Tấn Duyên, Trưởng nhóm tình nguyện viên, cho biết sau 30 tấn rau cho thôn Văn Lâm 3 đang cách ly y tế, nay lại có thêm bốn tấn rau được chở từ Đức Trọng, Lâm Đồng để chuyển cho hơn 160 hộ đồng bào Raglei ở thôn Tân Hà, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Khi cùng đoàn tình nguyện đến nơi vào chiều 9-4, tôi thấy tuy ở xã miền núi nhưng tất cả người dân từ già đến trẻ, ra đường ai cũng đeo khẩu trang đầy đủ. Tới nhận rau, họ xếp hàng rất trật tự và có khoảng cách an toàn.
Thấy bà cụ đang đeo gùi, đứng xếp hàng nhận rau, tôi hỏi cụ có thường xuyên ăn rau trong bữa cơm hằng ngày không? Bà cụ người dân tộc Raglei chân chất trả lời: "Mình ít có rau ăn lắm, lâu lâu hái được rau rừng thì ăn thôi, chợ cũng có bán nhưng không có tiền mua".
Hàng tấn rau củ tưới xanh được vận chuyển đến cho các hộ gia đình khó khăn trong mùa dịch. Ảnh: THANH SƠN
Vậy bao nhiêu đây rau, cụ ăn được mấy ngày? Bà cụ ngập ngừng một lúc rồi trả lời: "Ăn nhiều cái ngày lắm đó". Trong đầu chợt bật lên câu hát "Ai nghèo cũng có... 1 gùi rau tươi...", cảm thấy ấm lòng quá.
Đến hỏi một bạn thanh niên đang xếp rau vào gùi cho bà con, bắp nhà mình năm nay được nhiều không? Bạn thanh niên trả lời: "Không có mưa, bắp cao hơn gang tay khô lâu lắm rồi". Câu trả lời thản nhiên, dường như số phận đã sắp đặt họ phải thường xuyên chấp nhận những khó khăn như thế.
Anh Phạm Tấn Duyên - Trưởng nhóm tình nguyện viên cho biết trong những ngày qua họ chia nhau ra từng nhóm để kêu gọi vận động và thu hoạch rau, ai cho gì, dù nhiều hay ít cũng nhận. Nhóm chính thức chỉ có 20 thành viên nhưng những lúc đi xa như thế này thì kêu gọi thêm người phụ giúp.
Qua ba đợt đem rau xanh đi ủng hộ cho đồng bào thôn Văn Lâm 3 vừa qua, nhóm đã huy động được mấy chục tình nguyện viên tham gia. Họ đủ mọi lứa tuổi, thành phần từ lãnh đạo huyện, xã đến các em học sinh…, cùng đến thu gom, đóng bao và vận chuyển đi phát.
Bạn Thanh Hải, một tình nguyện viên, đồng thời cũng là người phụ trách điều phối các công việc hằng ngày của nhóm cho biết: "Đợt đầu nhóm vận động được 5 tấn rau, vui lắm. Thấy tụi em làm công việc có ý nghĩa, vậy là có thêm nhiều người ủng hộ, nên nhóm được thêm 10 tấn rau nữa. Vậy là có 15 tấn rau để đem đến hỗ trợ cho các hộ đang có hoàn cảnh khó khăn. Công việc này phải thức khuya, dậy sớm nhưng vui lắm anh, được đem chút công sức của mình để mang niềm vui đến cho các đồng bào dân tộc của mình. Không chỉ các chủ vườn rau nhắn tới cho, có nhiều chủ vựa rau cũng nhắn nhóm đến để gửi đủ các loại rau cho đồng bào”.
Nhìn đủ các loại rau cải dưa, cải thảo, bắp cải, su su, cà tím, dưa leo... thứ nào cũng tươi mơn mởn đang được sắp xếp gọn gành, tôi nghĩ: Của một đồng, công một lượng là đây chứ đâu.
Xong việc, trời tối chia tay bà con, xe nổ máy mà vẫn còn nấn ná chưa chịu lăn bán. Anh tài xế tên Trọng, cũng là thành viên của nhóm cười rồi chỉ tay vào một cô bé người Raglei chừng 5-6 tuổi đeo cái cái gùi đầy rau đang đi về nhà rồi nói: “Trời ơi, nhìn yêu quá anh ạ”. Cái chất giọng của người Hà Nội di cư vào Lâm Đồng của anh Trọng bao năm vẫn dễ thương làm sao.
Nhóm chúng tôi xuôi theo con đường gập ghềnh, dọc theo những đám ruộng khô để ra quốc lộ 27, ngược đèo Ngoạn Mục trở về nhà. Tôi nhớ cái thùng xốp đựng cơm nấu từ nhà mang theo ăn. Nhớ những chiếc áo tím đồng phục nhễ nhại mồ hôi, những nụ cười rạng rỡ của họ khi xong công việc mà thầm cảm phục và biết ơn họ - những tình nguyện viên.
Ngày mai, họ sẽ cùng những người bạn mà mình chưa biết hết tên, lại đi vận động, thu gom các loại rau củ quả, để ngày tiếp theo chở xuống cho bà con dân tộc ở thôn Ma Nới huyện Ninh Sơn, quê hương của cây đàn Chapi.
Hỏi anh Duyên vì sao biết thôn Ma Nới mà nhóm định hỗ trợ? Anh cho biết "chỗ em ai cũng biết thôn này có nhiều đồng bào dân tộc nghèo, vì họ thường xuyên ra làm thuê đó anh".
Đến 22 giờ, về đến nhà, tôi đã thấy trên trang Facebook của nhóm tình nguyện đã có dòng thông báo về công việc tiếp theo: 5 tấn rau phát cho 500 người nghèo tại huyện nhà; một tấn rau gửi về TP.HCM cho quán cơm chay; năm tấn rau về Ma Nới, Ninh Thuận. Rất mong sự chung tay của cả nhà.
Những bước chân tình nguyện của họ đã và vẫn đang nối dài yêu thương đến với những nơi còn khó khăn vất vả. Tuy chỉ mới gặp nhau lần đầu nhưng sao yêu đến thế cái tình của người Đức Trọng.