Ông Bầu Xuân tên thật là Diệp Nam Thắng, sinh năm 1927 tại Sài Gòn. Trước khi trở thành bầu cải lương, ông là một ông chủ kinh doanh thành đạt, giàu có ở Sài Gòn. Ông từng là ông chủ hãng xuất nhập khẩu Nam hiệp công thương, chủ hãng giấy Kiss Me và là thầu khoán xây dựng. Ông theo ngiệp làm bầu cải lương xuất phát từ tình cảm yêu mến giới nghệ sĩ cải lương không vụ lợi.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết dẫn tay ông Bầu Xuân, người đã chắp cánh cho tên tuổi bà bay xa trong một lần bà đến chùa Nghệ sĩ tưởng niệm nghệ sĩ Phùng Há. Ảnh: HÒA BÌNH
Là người làm ăn nhưng ông Bầu Xuân thích làm bạn với những soạn giả cải lương như Hà Triều, Hoa Phượng, Thiếu Linh… Năm 1962, khi đoàn cải lương Hoa Thủy Tiên của Bầu Hiếu rã gánh, ông Bầu Xuân đã cho nghệ sĩ của đoàn hát này tá túc trong một kho hàng của mình và trợ cấp cho họ cơm gạo sống qua ngày.
Sau một thời gian, soạn giả Bạch Diệp, Minh Nguyên đã gợi ý cho ông mua lại gánh hát này vừa kinh doanh vừa giúp anh em nghệ sĩ. Đề nghị đó được ông đồng ý.
Ông Bầu Xuân (khoác áo đen) cùng các nghệ sĩ trong lễ tưởng niệm nghệ sĩ Phùng Há. Ảnh: HÒA BÌNH
Tháng 6-1962 ông cho ra mắt đoàn cải lương Hoa Mùa Xuân, nhưng chẳng bao lâu bị thua lỗ. Mặc dù đã cố gắng củng cố Hoa Mùa Xuân với các đào kép mới có tiếng như vợ chồng Tấn Tài, Như Ngọc… nhưng cuối cùng vẫn lỗ. Những người làm ăn chung với ông phản đối, yêu cầu ông thôi nghiệp làm bầu cải lương, nhưng ông vẫn kiên trì.
Ông Bầu Xuân (bìa phải) cùng nghệ sĩ Phùng Há (bìa trái) trong một chuyến đi làm từ thiện cuối đời của bà. Ảnh: HÒA BÌNH
Năm 1963 ông tiếp tục cho ra mắt đoàn cải lương Dạ Lý Hương, quy tụ nhiều nghệ sĩ, soạn giả tên tuổi như Ba Vân, Hà Triều, Hoa Phượng, Thiếu Linh… Ông cũng dành thời gian gắn bó luôn với đoàn, điều hành đoàn với cách làm cải lương chuyên nghiệp như có giám đốc nghệ thuật, phó giám đốc điều hành, đài trưởng, soạn giả thường trực, có nội quy thưởng phạt rõ ràng, có hợp đồng ký kết chặt chẽ với nghệ sĩ…
Từ đó, đoàn liên tục quy tụ về những nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu khi đó như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Ba Vân, Văn Chung, Hoàng Giang, Hùng Cường… Đồng thời tăng cường nhiều nghệ sĩ trẻ mới nổi, trong đó có nhiều người đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm như Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Trang Bích Liễu, Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm…
Ngoài dựng những kịch bản cải lương xã hội nóng bỏng tính thời sự, đoàn còn dựng những vở cải lương hương xa, kiếm hiệp ăn khách như Tuyệt tình ca, Đời là một chữ T, Tiền rừng bạc biển, Tướng cướp Bạch Hải đường, Cô gái Đồ Long….
Dạ Lý Hương trở thành đoàn cải lương lớn, sánh ngang và có khi vượt qua những đoàn cải lương ăn khách, danh giá nhất của cải lương Sài Gòn thời vàng son trước 1975 như đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chung, Kim Chưởng, Thủ Đô, Hương Mùa Thu… Ở đoàn Dạ Lý Hương, danh tiếng cặp đôi nghệ sĩ Bạch Tuyết – Hùng Cường nổi như cồn, mệnh danh là "Cặp đôi sóng thần". Ông Bầu Xuân cùng với những thành công của mình trở thành một huyền thoại lớn của cải lương Sài Gòn.
Sau khi Bạch Tuyết, Hùng Cường rời khỏi Dạ Lý Hương, nghệ sĩ Thanh Nga, Thành Được từng có thời gian về cộng tác với đoàn. Cải lương khó khăn, Dạ Lý Hương tan rã năm 1974. Sau 1975, ông Bầu Xuân tiếp tục làm lại đoàn Dạ Lý Hương, còn gọi là đoàn Sông Bé 2 song cũng chỉ duy trì đến năm 1978 thì ông Bầu Xuân chấm dứt nghiệp làm bầu.
Từ năm 1998, ông Bầu Xuân về làm quản sự Chùa Nghệ sĩ TP.HCM, giúp nghệ sĩ Phùng Há quản trị chùa và nghĩa trang nghệ sĩ. Ông được nghệ sĩ Phùng Há nhận làm con nuôi và phó thác việc coi sóc chùa, nghĩa trang, cùng việc làm từ thiện giúp nghệ sĩ nghèo, người nghèo cho ông. Ông đã làm theo di nguyện của nghệ sĩ Phùng Há đến hết cuộc đời mình.
Được biết, ngôi chùa nghệ sĩ, nghĩa trang nghệ sĩ cũng là tài sản có phần đóng góp tiền rất lớn của ông Bầu Xuân. Ông cũng là người có công lớn trong việc thành lập Hội Ái hữu tương tế nghệ sĩ trước 1975.
Tang lễ ông Bầu Xuân được tổ chức tại tư gia số 20/2A đường Bùi Thị Xuân, phường 3, quận Tân Bình, TP.HCM. Lễ động quan vào sáng 25-6.