Trong buổi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) vào ngày 23-10 vừa qua, phát biểu tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà đã có đề xuất gây xôn xao giới làm phim, tham gia nghệ thuật.
Lục Vân Tiên - bộ phim 20 năm trước từng phải thay đổi vai nữ chính vì diễn viên vướng lùm xùm đời tư. (Ảnh chụp màn hình)
Nghệ sĩ bị chi phối bởi nhiều luật, quy định
Cụ thể, khi nhắc đến đối tượng tham gia và đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện ảnh là các diễn viên, bà Lê Thu Hà cho biết theo dõi trên các phương tiện truyền thông vừa qua, bà thấy Trung Quốc đang làm một chiến dịch rất mạnh mẽ nhằm loại bỏ những “ngôi sao có lối sống lệch chuẩn” để nghệ sĩ phải trau dồi kỹ năng. “Tôi nghĩ chúng ta cũng có thể tham khảo vấn đề này, bởi người hoạt động nghệ thuật cần phải hết sức giữ gìn hình ảnh của mình. Nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài” - ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại nêu ý kiến.
Sau đó, bà Hà đề xuất cần có quy định về dừng chiếu hoặc rút giấy phép các tác phẩm điện ảnh mà có nghệ sĩ không có đạo đức, vi phạm đạo đức, an ninh chính trị.
Trong dự thảo Luật Điện ảnh, ở khoản 1 Điều 10 đã quy định đến 12 điểm cụ thể các nội dung bị cấm trong hoạt động điện ảnh. Trong đó, tại điểm m khoản 1 Điều 10 còn quy định: “Các nội dung bị cấm bởi luật và các quy định hành chính khác”. Điều này cũng có nghĩa ngoài Luật Điện ảnh, một bộ phim còn có thể bị chi phối bởi các luật, quy định khác.
Bên cạnh đó, một tác phẩm điện ảnh hoàn toàn khác với một màn trình diễn ca nhạc trên sân khấu, xuất hiện trong một game show truyền hình và càng khác với một màn biểu diễn thời trang. Điện ảnh là một công trình tập thể mà mỗi người đạo diễn, diễn viên, quay phim… là một mắt xích không thể tách rời. Họ dự phần vào với vị trí riêng biệt làm nên hình hài một bộ phim. Thế nên nếu chỉ vì một diễn viên, đạo diễn, thành viên… trong đoàn phim vi phạm đạo đức, an ninh chính trị lại rút giấy phép phổ biến phim (theo dự thảo Luật Điện ảnh đang trình là giấy phép phân loại phim) liệu có hợp lý hay không?
Hợp đồng tham gia phim luôn có ràng buộc
Diễn viên, nhà sản xuất, đạo diễn Hồng Ánh cho rằng: “Điện ảnh là một sản phẩm tập thể, đầu tư lớn nên không thể dùng vi phạm của cá nhân để áp lên một công trình tập thể. Vi phạm đạo đức là phạm trù cá nhân, trừ chống phá chính quyền, trừ những điều cấm trong điện ảnh, còn những cái đạo đức cá nhân thì không nên xem xét để cấm một bộ phim phát hành”.
Với kinh nghiệm của chính mình trong nhiều vai trò, diễn viên Hồng Ánh cho biết khi nhà sản xuất làm hợp đồng với diễn viên, đạo diễn… đều có các điều khoản chi tiết về việc giữ hình ảnh cá nhân để không ảnh hưởng đến dự án đang tham gia. “Chúng ta có thể nhắc nhở vai trò người nghệ sĩ nhưng thực tế, trong giáo dục hằng ngày chúng ta đã phải giáo dục con trẻ hướng đến những giá trị văn hóa, đạo đức… nên không phân biệt là nghệ sĩ hay ngành nghề gì. Bất cứ công dân nào cũng phải có quy chuẩn văn hóa, đạo đức. Hãy đánh giá tác phẩm tách bạch với vi phạm cá nhân, trừ những tác phẩm vi phạm các quy định về cấm của Luật Điện ảnh. Mỗi người đều có trách nhiệm cá nhân, một người bị chi phối bởi nhiều luật, quy định và luật của mình có đầy đủ trong mọi lĩnh vực, ngóc ngách rõ ràng nên bất cứ ai vi phạm, pháp luật cũng xử phạt chứ đâu cần nghệ sĩ” - diễn viên Hồng Ánh cho biết.
Đừng xem điện ảnh như là phim tài liệu có thật
Và hơn cả, theo diễn viên Hồng Ánh, chính thái độ của khán giả sẽ là thước đo để mỗi người làm nghệ thuật chân chính soi chiếu. “Tôi vẫn nhớ trong phim Lục Vân Tiên ngày trước, tôi được chọn vào thay thế cho một hoa hậu, dù sự việc lùm xùm của hoa hậu thời điểm đó không liên quan trực tiếp tới chị mà từ người chồng cũ. Khi đó khán giả đã gửi thư phản ánh, yêu cầu buộc phải thay vai diễn của chị ấy. Nghệ sĩ khi mong muốn gắn bó với nghề, xem nghề là chuyên nghiệp, nghiêm túc thì phải luôn giữ hình ảnh. Tuy nhiên, đừng nhìn điện ảnh như bộ phim tài liệu có thật. Không thể vì đời sống tôi có hai, ba chồng mà tôi không được phép đóng vai chính chuyên chung thủy, hai câu chuyện cá nhân đời thực và phim phải nên tách bạch” - diễn viên Hồng Ánh nói.
Thực tế, tự bản thân nghệ sĩ phải biết giữ hình ảnh của mình, công chúng mới có quyền quyết định sự nghiệp của họ. Ngoài Luật Điện ảnh còn nhiều luật khác quy định họ với vai trò là công dân. Nghệ sĩ sai phạm lĩnh vực nào sẽ chịu trách nhiệm pháp luật lĩnh vực đó như mọi công dân. Vi phạm pháp luật sẽ có những quy định pháp luật khác quy định và cá nhân phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình, không nên thêm những điều trói buộc các nhà làm phim, nhà sản xuất… khi vốn đã có quá nhiều điều giới hạn các nhà làm phim tại Việt Nam.•
Sẽ gây quá nhiều thiệt thòi cho đoàn phim Một bộ phim là công trình tập thể của cả trăm người tham gia nên nếu chỉ vì vi phạm của một cá nhân diễn viên, đạo diễn… mà rút giấy phép, cấm chiếu phim thì thật quá thiệt thòi cho bộ phim, cho các thành viên còn lại cũng như cho khán giả. Tôi vẫn luôn tin rằng khán giả, công chúng luôn đủ sáng suốt để ủng hộ hay không ủng hộ một bộ phim ra mắt. Diễn viên QUỐC TRƯỜNG |