Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn kêu gọi tu sĩ thiện nguyện chống dịch

Ngày 12-7, Văn phòng đặc trách tu sĩ, Tòa Tổng Giám mục, Tổng Giáo phận Sài Gòn đã có thư gửi đến Bề trên các Hội Dòng tại TP.HCM thông báo về việc thành lập Nhóm tu sĩ thiện nguyện.

Theo thông báo, Nhóm tu sĩ thiện nguyện sẽ cộng tác với nhân viên y tế trong TP.HCM với mục đích ngăn chặn, đẩy lùi COVID-19 và trợ giúp những người gặp khó khăn vì đại dịch.

Nhóm tu sĩ thiện nguyện sẽ không phải là các tu sĩ đang chính thức làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Sở Y tế TP.HCM sẽ tổ chức xét nghiệm và tập huấn cho nhóm một ngày trước khi nhận việc. Nhóm sẽ được chích ngừa.

Sân nhà xứ Giáo xứ Phú Hạnh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã thành nơi tập kết rau củ, lương thực, thực phẩm cho hàng trăm ngàn người dân TP.HCM từ đầu đợt dịch đến nay. Ảnh: Facebook Joseph Le

Thời gian phục vụ tập trung của nhóm có thể bảy ngày, sau đó tự cách ly tại cộng đoàn hai tuần. Một số tu sĩ của Nhóm tu sĩ thiện nguyện sẽ được yêu cầu chăm sóc bệnh nhân là những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Sars-Cov-2 nhưng chưa hoặc không có biểu hiện lâm sàng. Công việc chủ yếu sẽ là nhắc nhở bệnh nhân ăn ngủ, lưu ý chế độ dinh dưỡng... nên không cần bằng cấp chuyên môn y khoa.

Trong suốt quá trình làm việc bác ái, các tu sĩ sẽ phải cửu hành các việc đạo đức (cầu nguyện, thánh lễ...) hoàn toàn riêng tư.

Với tình huống khẩn cấp như hiện nay, thông báo cũng mong muốn các Bề trên Hội Dòng phản hồi về việc số lượng của tu sĩ tham gia việc thiện nguyện này trước ngày 14-7.

Trước đó, ngày 9-7, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Huế, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã có thư kêu gọi, tâm tình đến đồng bào Công giáo Việt Nam với tựa “Thương quá Sài Gòn ơi!”.

Đức Tổng Giám mục Giuse nhấn mạnh việc TP.HCM đã trở thành ổ dịch lớn nhất nước với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày.

“Muôn vàn thảm kịch đang diễn ra mỗi lúc một nghiêm trọng: Lây nhiễm cộng đồng, bệnh viện quá tải, y sỹ, nhân viên y tế kiệt lực, đội phòng chống căng thẳng, sản xuất ngưng trệ, lưu thông hạn chế, vật giá leo thang… Hàng vạn cụ già và trẻ em bán vé số, trà đá, hàng rong, taxi, xe ôm sẽ lấy gì ăn nếu không được ra đường trong những ngày tới đây? Công nhân xí nghiệp đào đâu ra tiền nếu một mai nhà máy giảm biên chế hoặc đóng cửa?”- bức thư tâm tình.

Nữ tu Hội Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất hỗ trợ trong tâm dịch Bắc Giang.
Ảnh: Facebook Hội Dòng

Và trong thư, Đức Tổng Giám mục Giuse cũng nhắc nhớ việc chính người dân Sài Gòn hôm nay đang khốn khó, đã từng vội vã lên đường mỗi khi nghe tin đồng bào mình đây đó lâm cơn hoạn nạn…

Vì thế “Hơn bao giờ hết, tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy hướng nhìn về thành phố đáng yêu này, nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành ổ dịch. Tôi kêu gọi bà con hải ngoại hãy nhớ đến khung trời kỷ niệm đã một thời vang vọng câu hát “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi”. Tôi kêu gọi tín hữu Công giáo, mọi thành phần Dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu hãy coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo Lời Chúa dạy.

Tôi kêu gọi các tổ chức truyền thông và cộng đồng mạng hãy mau mắn chuyển tải thông tin này đến mọi địa chỉ quen biết. Hãy khẩn cấp ra tay. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta đang vật lộn với thực tế đầy nông nỗi. Chúng ta hãy im lặng để nghe lại lời vàng ngọc này của Chúa Giêsu: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không” (Mt 10,8b)”- Đức Tổng Giám mục Giuse kêu gọi.

Thư cũng đề ra những phương cách cụ thể: Mỗi cụm cộng đoàn, các cấp Caritas lập đường dây nóng, có địa chỉ để tập trung phẩm vật và tiền cứu trợ trong khu vực.

Ngoài nhu yếu phẩm đang cần là rau quả, nông phẩm, lương khô, thiết bị phòng chống dịch (khẩu trang, nước kháng khuẩn, máy thở, bình ôxy, bộ xét nghiệm nhanh), đồng bào thành phố cũng cần hỗ trợ tài chính cho người nghèo, vô gia cư, vỉa hè, khám chữa bệnh...

Bởi “Không biết khủng hoảng hiện nay sẽ kéo dài bao lâu, sẽ diễn biến như thế nào... Nhưng chúng ta, cùng với đồng bào Việt Nam khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại sẽ xây dựng một thành phố mới và một hệ thống xa lộ mới bằng vật liệu tình thương”- Đức Tổng Giám mục Giuse viết.

‘Ông Cha phát gạo nè!’
‘Ông Cha phát gạo nè!’
(PLO)- Những ngày này, rất nhiều người dân TP.HCM bất kể tôn giáo nào đều rỉ tai nhau, hay tag nhau trên Facebook kèm comment “ông Cha phát gạo nè”, “nhà thờ đang phát gạo”…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm