Chính vì thế, ở một góc độ khác, nhiều giáo viên cho rằng cách ra đề như vậy là quá an toàn, thiếu sự đột phá và nằm ngoài kỳ vọng của thầy trò trong quá trình giảng dạy.
Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, giáo viên dạy văn của Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM, thẳng thắn nhận xét rằng: “Cách ra đề hai năm nay cực kỳ cơ bản, tính phân hóa không cao, không kích thích tính tư duy và phản biện, không ứng dụng được cái hay của những đề dạng so sánh trước đây trong đề thi ĐH để kích thích tư duy của học sinh”.
Cụ thể như năm ngoái, đề yêu cầu phân tích một đoạn truyện thì năm nay yêu cầu phân tích tình huống truyện trong tác phẩm Vợ nhặt. Trong đó, đề nói về khát vọng sống, về hạnh phúc gia đình cũng rất bình thường và cụ thể quá rồi. Ngay cả ngữ liệu phần đọc hiểu nói về cuộc sống ngoài khung cửa nhà bạn và bài thơ về tiếng Việt cũng đã quen thuộc chứ không có gì lạ. Cách ra đề ở phần nghị luận xã hội cũng chỉ dạng bàn luận một ý kiến bao gồm hai vế trái ngược nhau là sự “hèn nhát” và “dũng khí” cũng đã cũ rồi vì bao nhiêu năm đã ra dạng này. Tức là câu này đề thường ra những vế mà hiển nhiên đúng, nó như một chân lý và học sinh chỉ cần chứng minh chân lý đó nên bài làm và ý tưởng sẽ rất bó hẹp. Theo cô Ngọc, phần này cần ra dạng mở với nhiều góc độ khác nhau để kích thích tư duy phản biện và cảm nhận của học sinh.
Thí sinh sau buổi thi môn ngữ văn tại TP.HCM sáng 3-7. Ảnh: P.ANH
“Giáo viên đang rất nỗ lực để đổi mới trong giảng dạy nên rất cần sự đổi mới cách ra đề chứ không cơ bản và an toàn như thế này. Nếu cứ ra đề như thế này thì lâu dần sẽ thành lối mòn cho cả người học lẫn người chấm” - cô Ngọc nói.
Với đề thi môn địa, một số giáo viên đều cho rằng cấu trúc đề thi tương tự năm ngoái và có phần dễ hơn, nội dung bám sát sách giáo khoa, rải đều các chủ đề như tự nhiên, dân cư, ngành và vùng kinh tế. Những chủ đề nằm trong dự đoán cũng đã được đề cập trong đề thi như tài nguyên, môi trường, dân số, đô thị hóa, biến đổi khí hậu. Một số vấn đề thời sự đang được quan tâm cũng được nêu ra trong đề như xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, bảo vệ đa dạng sinh học... Một số câu có sự phân hóa, đòi hỏi tư duy và óc phân tích, tổng hợp của các em.
Tuy nhiên, về tính đổi mới, theo thầy Đoàn Nhật Quang, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, TP.HCM, chưa có sự đổi mới và phá cách khi ra đề. Tính phân hóa của đề không cao lắm, chỉ khoảng 2 điểm, chủ yếu ở phần giải thích biểu đồ ở câu 3 và câu 4 nhưng mức độ bình thường, học sinh vẫn có thể trả lời được nếu nắm kiến thức và biết tư duy.
Theo thầy Quang, ban ra đề nên phân hóa thêm ở câu 2 bằng cách tăng thêm ý về nhận xét hoặc giải thích để học sinh tư duy vì điểm câu này khá lớn.
“Không chỉ môn này mà những môn khác cũng tương tự. Nếu cứ giữ cách ra đề cũ, theo lối mòn như thế này dễ khiến thí sinh quen học tủ, thi chỉ làm sao để tốt nghiệp hoặc tránh bị điểm liệt vì kiểu gì cũng sẽ có điểm. Có đổi mới ra đề thì mới đổi mới được tư duy học của trò và giảng dạy của thầy cô được” - thầy Quang góp ý.