Vắng Mỹ, Nga vẫn gặp khó ở Syria

Theo New York Times, các nhà phân tích Trung Đông cho rằng sau nhiều năm bom rơi đạn lạc kể từ cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập năm 2011, Syria khả năng đối mặt với một tương lai mong manh hơn so với trước khi chiến sự nổ ra. Đó là Tổng thống Bashar al-Assad dẫn dắt một chính phủ hà khắc do Nga và Iran điều hành.

Vai trò Nga, Iran ở Syria

Nga, Iran là đồng minh lâu năm và hỗ trợ ông Assad trong cuộc chiến chống khủng bố và phe nổi dậy. Nga hỗ trợ trên không, Iran đầu tư về nhân lực và dần dần hai nước nghiễm nhiên có sức nặng tại Syria.

Iran đã điều động hàng ngàn dân quân người Shiite và các chiến binh ủy nhiệm tới Syria. Họ đã củng cố lực lượng dân quân Shiite với hy vọng đây có thể trở thành đòn bẩy chống Israel, New York Times cho biết.

Về phần Nga, vốn đã gây ảnh hưởng chính trị đáng kể ở Syria, nay lại làm chủ luôn cả chính sách đối ngoại, các dịch vụ an ninh và quân sự nước này. Đây là một phần mục đích Nga nhắm tới khi quyết định hậu thuẫn ông Assad.

Mặc dù có thể Moscow và Tehran đều nhận thấy việc họ can thiệp quân sự ở Syria là tốn kém và hứng không ít chỉ trích trong nước nhưng đổi lại, hai nước đảm bảo một lợi thế trước Mỹ: Đó là trở thành sức mạnh trong khu vực.

Daniel Benaim, nghiên cứu sinh về Trung Đông tại tổ chức Center for American Progress - một nhóm nghiên cứu tự do ở Washington, cho rằng đây chính là “kịch bản mơ ước” đối với Nga và Iran. Theo ông, Nga và Iran chính là muốn nói với cả đồng minh của Mỹ lẫn kẻ thù của Mỹ rằng Mỹ không còn là đối tác đáng tin cậy ở Trung Đông.

Khi Mỹ rút quân, vai trò của Nga và Iran chắc chắn sẽ được nâng lên và bắt đầu lên kế hoạch của riêng mình. Một kịch bản được mong đợi nhất là Mỹ rút quân sẽ tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán mới tiến tới ổn định và thống nhất Syria. Tuy nhiên, trên thực địa, tình hình Syria vẫn sẽ chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Bởi Mỹ rút quân thì đã có đồng minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Israel lấp chỗ.

Một cảnh sát quân đội Nga (trái) và một binh sĩ Syria tại tỉnh Quneitra, Syria. Ảnh: GETTY

Thách thức nào ở Syria?

Nói với New York Times, ông Joost Hiltermann, Giám đốc chương trình Trung Đông - Bắc Phi, cho hay Nga, Iran đã bố trí cố vấn trong các cơ quan an ninh Syria. Tuy nhiên, cả hai sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi ở lại Syria.

Thách thức trước hết là không nước nào đủ chi phí để duy trì nỗ lực tái thiết Syria sau xung đột. Đối với Nga, thiếu điều đó thì những thành quả về quân sự của Nga trong việc đánh bại phe đối lập và đảm bảo chế độ của Tổng thống Assad ở Syria có thể “xôi hỏng bỏng không”, theo Al Jazeera. Ngoài ra, Nga cũng cần có một nguồn tài chính để hỗ trợ về mặt quân sự cho chính quyền Syria.

Về phía Iran, bà Danielle Pletka, chuyên gia về nghiên cứu chính sách quốc phòng và nước ngoài tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận xét người Iran từ trước tới nay đã thực thi quyền lực ở Syria một cách khéo léo nhưng tương lai có phần khó khăn hơn. Chính phủ Iran, ngoài vấp phải làn sóng chỉ trích trong nước khi can thiệp quân sự ở Syria, thì nền kinh tế nước này đang bị bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo một số chuyên gia, Moscow và Tehran cũng có thể đã nhận ra sự ổn định của Syria khó có thể tái lập dưới thời ông Assad. Điều dễ thấy là các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối ông Assad đã diễn ra ở một số khu vực mà ông nắm quyền kiểm soát trở lại.

“Thời bình sẽ bày ra những thách thức mà ông ấy đã giấu đi trong thời chiến” - Alexander Bick, một học giả của Trường Nghiên cứu quốc tế cấp cao Johns Hopkins (Mỹ), nhận xét. Ông Bick cho rằng Nga biết rất rõ vị trí của ông Assad rất mong manh, nền kinh tế thì kiệt quệ hoàn toàn, còn về chính trị thì là mớ hỗn độn.

Nga giảng hòa liên quân Thổ-Syria và người Kurd

Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung ở biên giới với Syria có kế hoạch tiến vào bờ Đông sông Euphrates để đánh lực lượng dân quân người Kurd. Theo Asia Times, Nga được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chính yếu ở đây với tư cách là người đàm phán, trọng tài và người bảo hộ. Ở đây tồn tại vài khả năng. Nga một mặt sẽ phải kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sâu vào lãnh thổ Syria. Mặt khác, Nga phải nhượng bộ các mối quan ngại chính đáng của Thổ Nhĩ Kỳ về mặt an ninh trong việc tạo ra một vùng đệm dọc biên giới. Như vậy có nghĩa là Nga sẽ phải dùng ảnh hưởng của mình với các tay súng người Kurd để yêu cầu họ rời khỏi khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời phải hỗ trợ cho quá trình hòa giải giữa người Kurd và chính phủ Syria theo hướng đáp ứng việc đưa vùng phía Đông Euphrates trở về dưới quyền kiểm soát của Damascus.

_____________________

200 tỉ USD là số tiền cần thiết cho công cuộc tái thiết Syria. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm