Một quan chức Mỹ ngày 19-12 nói với CNN rằng Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh rút “toàn bộ” và “nhanh chóng” lực lượng khỏi Syria vì IS đã bị đánh bại. Một quan chức Mỹ giấu tên khác tiết lộ toàn bộ nhân viên Bộ Ngoại giao nước này sẽ được sơ tán khỏi Syria trong vòng 24 giờ, trong khi đó sẽ cần khoảng 60-100 ngày để đưa toàn bộ binh sĩ về nước.
“Sai lầm lớn”
Báo cáo rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Syria ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích từ một số nghị sĩ và đồng minh của Mỹ. Theo RT, ông Jesse Lehrich, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đã thể hiện sự thất vọng về tuyên bố của ông Trump. Theo ông Lehrich, việc Mỹ rút quân sẽ càng củng cố lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như các lực lượng của Nga và Iran tại Syria. Ông Lehrich cho rằng quyết định của Mỹ ngoài việc giúp IS hồi sinh còn khiến Washington bỏ rơi các đồng minh trong khu vực và không đạt được các mục tiêu chiến lược.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio thì nhận định quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi Syria là một sai lầm lớn, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong những năm tới. “Việc Mỹ đang rút hay chuẩn bị rút quân khỏi Syria, về cơ bản chúng ta đang trao Syria lại cho Nga và Iran” - ông Rubio nói. Theo ông, điều này sẽ dẫn tới một cuộc xung đột khác giữa Israel và phong trào Hezbollah do Iran hậu thuẫn.
Thượng nghị sĩ Linsey Graham, người luôn ủng hộ Tổng thống Trump trong nhiều vấn đề, cũng đồng tình với các ý kiến trên: “Nếu quyết định rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Syria sẽ khiến chúng ta đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Đây là một bước đi giống người tiền nhiệm Barack Obama. IS sẽ không thể hồi sinh nếu ông Obama không quyết định rút quân khỏi Iraq. Nếu ông Trump rút quân khỏi Syria, IS sẽ trở lại”.
Nói với The National, Faysal Itani, chuyên gia về Syria tại Hội đồng Đại Tây Dương - một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, dự đoán “IS sẽ trở lại dưới một số hình thức nhất định chỉ trong vòng một năm tới và mục tiêu loại bỏ Iran khỏi Syria sẽ không thể đạt được nếu Mỹ không còn ở Syria”. “Một kết quả có thể xảy ra là khả năng đối đầu quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd, ít nhất tại khu vực biên giới, nếu Nga cho phép điều này diễn ra” - ông Itani nhận định.
Một binh sĩ Mỹ nói chuyện với một chiến binh người Kurd gần thị trấn Derik, Syria. Ảnh: AFP
Tobias Ellwood, một quan chức quốc phòng Anh, viết trên Twitter rằng ông không đồng tình với tuyên bố IS đã bị tiêu diệt của ông Trump. Theo ông, IS đang biến thể thành các hình thức cực đoan khác và mối đe dọa của nhóm này vẫn còn hiện hữu.
Tại Nga, đồng minh chính của chính quyền ông Assad, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc Mỹ rút khỏi Syria sẽ mở ra triển vọng dàn xếp chính trị ở Syria.
“Phản bội” người Kurd
Mỹ không còn ở Syria đồng nghĩa với việc nước này đã bỏ rơi đồng minh thân cận nhất của mình ở Syria là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với thành phần là dân quân người Kurd và Ả Rập. Quyết định này đặc biệt gây thiệt hại cho người Kurd trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ sắp phát động chiến dịch quân sự đánh lực lượng này ở khu vực bờ Đông sông Euphrates (Syria).
Theo New York Times, Anlan Hassan, một nhà báo người Kurd thường trú ở Qamishli (Syria), cho hay lực lượng người Kurd hoàn toàn bất ngờ và bị sốc bởi quyết định trên của Mỹ. “Không khí ở đây thật u tối” - nhà báo Hassan nói.
1% diện tích lãnh thổ ở Syria còn trong tầm kiểm soát của IS, trong khi ở Iraq, đội quân cờ đen không còn kiểm soát lãnh thổ. |
Các chỉ huy người Kurd ở miền Bắc Syria bày tỏ hy vọng tổng thống Mỹ có thể rút lại quyết định của mình. “Chúng tôi được thông báo rằng Lầu Năm Góc sắp rút quân. Nếu Mỹ không đổi ý tức là đã bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công chúng tôi” - một chỉ huy người Kurd nói.
Trước đó vài ngày, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ rục rịch tiến đánh người Kurd, Mỹ đã rút khỏi các trạm quan sát ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Yeni Safak, Lầu Năm Góc đã bàn giao các trạm quan sát của họ ở thị trấn biên giới Tal Abyadh (miền Bắc Syria) cho các tay súng người Kurd. Các trạm quan sát trên nằm trong danh sách mục tiêu tấn công giai đoạn đầu của chiến dịch đánh người Kurd sắp tới của Thổ Nhĩ Kỳ, tờ báo cho hay.
Tờ Denfense Post dẫn một nguồn tin ngoại giao Mỹ cho rằng động thái này nằm trong kế sách “câu giờ” của Washington. Mục đích là để dàn xếp ổn thỏa với Thổ Nhĩ Kỳ trước khi Mỹ rút khỏi Syria. Nguồn tin cho biết các quan chức Mỹ lo ngại cứ duy trì các trạm quan sát như vậy sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ có thêm những hành vi gây hấn.
Cũng theo nguồn tin trên, Washington có kế hoạch hợp tác với Ankara nhằm đảm bảo duy trì các mục tiêu của Mỹ ở Syria. Một phần trong kế hoạch là triển khai thêm các lực lượng khác nhằm tạo ra một vùng đệm ngăn SDF và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ giao tranh, điều mà Mỹ lo ngại sẽ khiến lực lượng nước mình gặp nguy. RT cho rằng với việc Mỹ rút khỏi Syria, SDF hoặc chọn thương lượng với Damascus hoặc để Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua.
Kịch bản nào cho Syria? Có hai kịch bản cho vùng Đông Bắc Syria khi Mỹ rút khỏi Syria, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Thứ nhất, sẽ là một cuộc xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ vì Tổng thống Erdogan coi như Mỹ đã bật đèn xanh để Ankara phát động tấn công người Kurd (YPG). Thổ Nhĩ Kỳ sau đó sẽ sáp nhập khu vực phía Đông sông Euphrates vào vùng lãnh thổ nước này, kiểm soát ở miền Bắc Syria. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, khả năng sẽ gây thương vong lớn cho khoảng 30.000-60.000 tay súng người Kurd và gia đình họ trong khu vực. Từ đó sẽ tạo ra làn sóng di cư mới, đe dọa các nỗ lực làm ổn định Syria và Iraq. Kịch bản thứ hai là chứng kiến lực lượng YPG đàm phán thành công với chính phủ ông Assad, để chính phủ kiểm soát khu vực. Tuy nhiên, họ sẽ mất đi đòn bẩy chính do quyết định rút khỏi Syria của Mỹ. |