Theo đó, vàng miếng SJC leo lên gần 72 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn 9999 cũng tiến sát mốc 61 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn 9999 tăng cao chưa từng có
Đầu giờ chiều ngày 22-11, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 71,25 triệu đồng/lượng mua vào và 71,9 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 750.000 đồng ở cả hai chiều so với cuối ngày hôm qua.
Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận cộng thêm 500.000 đồng ở chiều mua và 700.000 đồng ở chiều bán ra, đẩy giá mua bán vàng miếng SJC lên 71 – 71,9 triệu đồng/lượng.
Tương tự, DOJI tăng thêm 800.000 đồng/lượng, nâng giá mua vàng miếng SJC lên 71,2 triệu đồng/lượng và bán ra với giá 71,9 triệu đồng/lượng.
Cùng chiều đi lên, song biên độ tăng của các loại vàng nhẫn 9999 chỉ dao động từ 200.000 – 500.000 đồng/lượng tuỳ từng doanh nghiệp.
Chẳng hạn, tại PNJ giá mỗi lượng vàng nhẫn tròn trơn 24K được đơn vị này niêm yết ở mức 59,7 – 60,8 triệu đồng/lượng, đắt hơn chốt phiên chiều qua khoảng nửa triệu đồng mỗi lượng.
Vàng nhẫn 9999 thương hiệu SJC hiện giao dịch ở mức 59,75 – 60,85 triệu đồng/lượng, tăng thêm 350.000 đồng so với đóng cửa phiên gần nhất.
Đáng chú ý, doanh nghiệp kinh doanh vàng Bảo Tín Mạnh Hải và Bảo Tín Minh Châu đã nâng giá vàng nhẫn ép vỉ vàng rồng Thăng Long lên 60,18 – 60,38 triệu đồng/lượng (mua vào) và bán ra 61,16 – 61,38 triệu đồng/lượng. Đây được xem là mức giá cao nhất của vàng nhẫn 9999 từ trước đến nay.
Trên thị trường quốc tế, kim loại quý đã quay trở lại mốc 2.003 USD/ounce, tăng khoảng 20 USD/ounce so với một ngày trước.
Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương 58,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn 12 triệu đồng so với vàng miếng SJC và 2,2 – 2,5 triệu đồng so với vàng nhẫn 9999.
So với đầu năm, vàng nhẫn 9999 đã giúp nhà đầu tư thu về mức lợi nhuận trên 11%, tương ứng khoảng 6,5 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng trung ương tranh thủ gom vàng
Giá vàng thế giới lấy lại đà tăng nhờ sự hỗ trợ của nhiều yếu tố. Thứ nhất, việc công bố các báo cáo kinh tế cho thấy nền kinh tế Mỹ có nguy cơ đối mặt với suy yếu do đợt tăng lãi suất gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Thứ hai, trong biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 11, Fed nhấn mạnh rằng dù lãi suất gần đạt đến mức cao nhưng cơ quan này chưa tính đến việc sớm hạ lãi suất.
Thứ ba, báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới tiết lộ việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng cường mua vàng, dẫn đến kỷ lục mới về sức mua trong chín tháng đầu năm nay.
Cuối cùng, ngoại trừ FED vẫn giữ quan điểm tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức cao, các ngân hàng trung ương toàn cầu đang bắt đầu cắt giảm lãi suất. Chính sự kết hợp của tất cả các sự kiện được nêu ở trên đã đẩy giá vàng bật lên trên 2.000 USD/ounce.
Hội đồng Vàng Thế giới đã cập nhật danh sách dự trữ vàng của các quốc gia, qua đó tiết lộ rằng nhiều ngân hàng trung ương đang tích cực bổ sung vào dự trữ vàng của họ.
Nhìn chung, hoạt động mua này của các ngân hàng trung ương toàn cầu đang ở tốc độ kỷ lục trong ba quý đầu năm 2023 với tổng khối lượng là 800 tấn.
Trong đó, Trung Quốc, Ba Lan và Singapore là những nước mua chính. Tốc độ này cao hơn nhiều so với tổng lượng mua trong cùng kỳ năm 2022.