Vật nuôi lấy thịt cũng cần được đối xử nhân đạo

Vì thế, quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi mà Luật Chăn nuôi 2018 quy định (có hiệu lực từ 1-1-2020) cần phải được ủng hộ. Luật ra đời trước mắt nhằm thay đổi dần nhận thức của cộng đồng, chuyện xử phạt tính sau.

Luật Chăn nuôi 2018 quy định mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi không được đánh đập, hành hạ vật nuôi. Khi giết mổ vật nuôi phải có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến cảnh đồng loại bị giết.

Nếu sử dụng vật nuôi trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác cũng phải đối xử nhân đạo tương tự.

Khoa học chứng minh rằng khi một cơ thể sống bị ức chế, hoảng loạn, đau đớn kéo dài thì sẽ tiết ra độc tố. Chính con người tiêu thụ độc tố đó sẽ là mầm họa cho nhiều căn bệnh đã được các nhà khoa học chỉ ra. Bỏ qua yếu tố khoa học này thì việc đối xử nhân đạo với vật nuôi khi chăn nuôi, giết lấy thịt cũng là một bài học nhân văn cho trẻ em. Chính vì lẽ đó mà nhiều nước trên thế giới từ lâu đã có quy định buộc con người phải đối xử nhân đạo với vật nuôi, khi giết thịt phải để cho con vật có một cái chết trong phẩm giá.

Hành vi đối xử thô bạo với vật nuôi ở nước ta cũng đã từng phải gánh chịu những hậu quả khi có thời điểm chính phủ Úc đã đưa ra quyết định tạm ngưng xuất gia súc đối với Công ty Animex Hai Phong vì có những cáo buộc được tổ chức bảo vệ động vật Animals Australia cung cấp nói rằng nhiều lò mổ ở Hải Phòng đã ngược đãi động vật, vi phạm tiêu chuẩn ESCAS.

Tổ chức Động vật châu Á cũng nhiều lần phải bày tỏ quan điểm khi chứng kiến những con vật bị hành hạ ở chỗ đông người. “Nó gửi đi thông điệp rằng động vật chỉ là một dạng đồ vật để con người sử dụng, thay vì nhìn nhận chúng như những sinh mệnh sống có tri giác, có khả năng nhận biết những điều đang diễn ra” - ông Nguyễn Tam Thanh (cán bộ phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật châu Á) đã từng bày tỏ như vậy.

Hiện nay, tình trạng đối xử thô bạo với động vật không phải chỉ xuất hiện trong các lò mổ hay từ những hình ảnh ghê rợn trên mạng xã hội mà còn có bóng dáng ở nhiều sự kiện lễ hội - nơi những con vật trở thành nhân vật trung tâm gửi gắm nhiều ý nghĩa. Những lễ hội như chém heo, đập đầu trâu đã từng khiến nhiều người phải thốt lên những từ như sợ hãi, kinh hoàng.

Việc giết thịt một con vật là một nguồn cung thực phẩm phổ biến đến từng mâm cơm của gia đình. Hành vi đối xử thô bạo, giết thịt một cách tàn nhẫn rõ ràng vẫn đi ngược lại với truyền thống nhân văn của dân tộc, không phù hợp với xã hội văn minh.

Tại Nhật Bản, có một câu chuyện đã được dựng thành phim nói về chú chó Hachiko ở tỉnh Akita, Nhật Bản. Khi chủ nhân của nó qua đời, chú chó đã ở sân ga gần 11 năm sau đó để đợi chủ. Chú chó đã được đúc tượng và trở thành một biểu tượng của người Nhật ở sự trung thành.

Mọi sinh vật đều có sự sống và đều ham sống sợ chết, chúng cũng biết đau, biết buồn. Con vật tồn tại với rất nhiều chức năng, có khi nó được nuôi dưỡng vì mục đích để giết thịt nhưng lại có những con vật gắn bó với con người bằng sự trung thành và tình cảm. Khi chết đi, có gia đình đã chôn cất nó như một thành viên thân thuộc. Vậy thì với những con vật bị giết thịt để phục vụ bữa ăn cho con người, tại sao chúng ta lại có thể gây đau đớn kéo dài cho chúng khi giết mổ?

Trước một quy định nhân văn, thay vì phản đối ngay, chúng ta nên tự hỏi vì sao thế giới văn minh người ta lại làm như thế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm