Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, chiều 11-5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 5 văn kiện hợp tác. Trong đó có Hiệp định vay ưu đãi Chính phủ khoản vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank).
Theo đó, khoản vay 250,62 triệu USD bổ sung cho dự án này đã được chính phủ hai nước thống nhất thời gian qua.
Các thiết bị tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đều do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: VIẾT LONG
Tổng mức đầu tư ban đầu tuyến Cát Linh - Hà Đông là 552,86 triệu USD, trong đó vay vốn của Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 133 triệu USD. Sau đó, dự án chậm triển khai và các cơ quan chức năng đã điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên 868,04 triệu USD tương đương với hơn 18.000 tỉ đồng, tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn tín dụng của Trung Quốc, theo hiệp định ký giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, với phương thức Tổng thầu EPC (thỏa thuận bằng văn bản giữa hai bên - VP). Thời gian vay là 30 năm.
Theo hiệp định, dự án này do Trung Quốc thực hiện nên phía Trung Quốc đã chỉ định Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 Trung Quốc thực hiện gói thầu và Công ty Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh là đơn vị thiết kế và tư vấn giám sát.
Dự án có chiều dài hơn 13 km, với 12 nhà ga; đường sắt đôi, khổ 1.435 m với tốc độ chạy tàu tối đa 80 km/giờ. Thời gian chạy từ Cát Linh đến Hà Đông và ngược lại sẽ là gần 24 phút. Lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/giờ, tương đương 1,02 triệu người mỗi ngày.