Về làng cổ Đường Lâm, nghe giai thoại sứ thần Giang Văn Minh

(PLO)- Giang Văn Minh được mệnh danh là vị sứ thần “Bất nhục quân mệnh” (Không để nhục mệnh vua) vì đã dám đối đáp thẳng thắn trước triều đình nhà Minh và bị hành hình vào năm 1638, thọ 65 tuổi. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 44km. Với những ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo xây dựng bằng đá ong và cột gỗ lim, làng cổ Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ.

Giang Văn Minh
Cổng làng Mông Phụ, xã Đường Lâm. Ảnh: Kha Nhiên

Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Đây là quê hương của hai vị vua: Phùng Hưng (761-802), Ngô Quyền (808-944), cũng là mảnh đất sinh ra sứ thần Giang Văn Minh - một nhà ngoại giao xuất sắc cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII.

Từ cổng làng du khách có thể đi bộ hoặc đạp xe khoảng 1km là vào đến đình làng Mông Phụ, tiếp đó, có thể ghé vào các quán nước sân làng, uống chén chè, ăn miếng chè lam và nghe bà Phạm Thị Hồng, người được gọi là "Thánh sử" của làng kể về giai thoại của sứ thần Giang Văn Minh.

20240828_235811.jpg
Đã 9 năm trôi qua, bà Phan Thị Hồng, hậu duệ của sứ thần Giang Văn Minh vẫn ngồi bên quán nước sân đình kể giai thoại về sứ thần cho du khách. Ảnh: KHA NHIÊN

Từ sân làng rẽ trái, đi khoảng 100 m, du khách sẽ vào đến nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh.

Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1991. Đây được coi là nơi ghi công trạng của Thám hoa và cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ của xã Đường Lâm và thị xã Sơn Tây.

IMG_20240829_000114.jpg
Du khách thích thú nghe "Thánh sử" kể những câu chuyện của sứ thần Giang Văn Minh. Ảnh: Kha Nhiên.

Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh được xây dựng năm 1845, với kiến trúc theo kiểu chữ Nhị, gồm tiền đường và hậu đường, có diện tích khoảng 400m2. Các tòa nhà đều xây gạch, lợp ngói cổ; phần mái bằng gỗ bào trơn, không chạm khắc cầu kỳ.

20240707_142119.jpg
Cổng nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, bên trên đắp nổi dòng chữ Hán “Giang Thám hoa công từ” (nhà thờ Công bộ tả thị lang Thám hoa Giang Văn Minh). Ảnh: Kha Nhiên

Cổng nhà thờ xây bằng gạch, thiết kế kiểu mặt bia, trên đắp nổi dòng chữ Hán “Giang Thám hoa công từ” (Nhà thờ Công bộ Tả thị lang Thám hoa Giang Văn Minh). Hậu Đường là nơi thờ chính, 3 gian đều có bệ thờ với các đồ thờ được sơn son thếp vàng.

IMG_20240829_000120.jpg
Cổng vào nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh nhỏ nhắn, khiêm nhường. Ảnh: KHA NHIÊN

Bước vào bên trong khuôn viên, chúng tôi gặp cụ Giang Văn Thịnh, cháu đời thứ 16 của cụ Giang Văn Minh. Cụ Thịnh giới thiệu trong nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh hiện còn lưu giữ một số di vật quý như: 4 bức hoành phi, 20 đôi câu đối chữ Hán, 3 tấm bia đá của các triều đại phong kiến.

20240707_140611.jpg
Cụ Giang Văn Thịnh, cháu đời thứ 16 của cụ Giang Văn Minh giới thiệu nhà thờ và kể lại giai thoại đi sứ của Thám hoa Giang Văn Minh. Ảnh: KHA NHIÊN

Theo tư liệu tại nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh, Giang Văn Minh sinh năm 1573, tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oa, trấn Sơn Tây (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội).

Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi thi Đình lại đỗ Đình nguyên thám hoa khoa Mậu Thìn, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông. Ông là người đỗ cao nhất khoa thi này với chức Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ tam danh, hiện còn lưu giữ tại Văn bia số 32 - Văn Miếu Quốc tử giám Hà Nội.

Sau khi đỗ đạt, ông lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung (1630), Thái bộc tự khanh (1631).

Ngày 30-12-1637, ông cùng Thiên đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua cử làm Chánh sứ dẫn đầu 2 đoàn sứ bộ sang tuế cống nhà Minh. Trong chuyến đi này, ông đã đấu tranh buộc nhà Minh bỏ lệ cống người, vàng hàng năm trước đó.

Đoàn sứ bộ của ông đến Yên Kinh vào năm 1638. Khi vào triều yết kiến, vua Minh cho sứ thần nước Việt một vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Dịch nghĩa: Cột đồng đến nay rêu đã xanh). Vế đối của vua Minh có ý nhắc đến việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó đã cho dựng cột đồng khắc 6 chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (nghĩa là: Cột đồng mà gãy thì dân Giao Chỉ diệt vong).

Thám hoa Giang Văn Minh rất căm giận nhưng vẫn hiên ngang đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Dịch nghĩa: Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ).

Vế đối đanh thép, nhắc cho Vua nhà Minh nhớ lại việc người Việt đã ba lần đánh bại quân Hán trên sông Bạch Đằng. Vua nhà Minh bừng bừng lửa giận, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách sai quân lính mổ bụng ông xem “sứ thần An Nam to gan lớn mật thế nào”.

Sau khi giết hại ông, vua Minh lại khen ông là người tiết tháo, cho ướp xác bằng thủy ngân, bỏ vào quan tài đóng kín, giao phái bộ nước Nam chuyển thi hài ông về nước.

Khi thi hài ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh đã đến bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức “Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công”; ban tặng câu: Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng, nghĩa là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng làm anh hùng thiên cổ.

IMG_20240828_235629.jpg
Con phố mang tên sứ thần Giang Văn Minh tại Hà Nội.

Sự hy sinh vì nước của sứ thần Giang Văn Minh xảy ra vào ngày mồng 2 tháng sáu năm Kỷ Mão (1639). Từ đó, vào ngày 2 tháng sáu Âm lịch hàng năm, nhân dân và chính quyền địa phương xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, các con cháu họ Giang khắp nơi cả nước đều tề tựu ở nhà thờ để tưởng nhớ công lao của ông.

IMG_20240829_000116.jpg
Lễ dâng hương và tưởng niệm 386 năm ngày mất cụ Thám hoa Giang Văn Minh tại nhà thờ ông ở làng Mông Phụ. Ảnh: KHA NHIÊN

Dòng họ Giang cũng cùng nhau đóng góp để nhân dịp này trao tặng học bổng cho các cháu chăm ngoan, học giỏi trong dòng họ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm