VFF chọn thầy nội cho các đội tuyển VN: Bụt nhà có thiêng?

Hơn 10 năm trước, thầy nội đã từng được VFF “ướm thử” cho đội tuyển Việt Nam khi đột ngột sa thải HLV Tavares ở Tiger Cup 2004. Khi ấy, ông Nguyễn Sĩ Hiển lên thay chỉ là giải pháp tình thế và hiện đang là chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia.

Mãi đến 10 năm sau, VFF sau nhiều lần đắn đo rồi lấy ý kiến của giới chuyên môn lại trở về phương án dùng thầy nội nhưng đều gặp thất bại.

Nếu như thầy ngoại thường có những ưu đãi riêng và chế độ đặc biệt trong công việc thì HLV nội luôn bị ám ảnh “áo mặc sao qua khỏi đầu” lẫn chịu sức ép lớn hơn rất nhiều.

Thời của HLV Phan Thanh Hùng chuẩn bị AFF Cup 2012, ông từng bị tứ phía bủa vây gièm pha về cách chọn quân ưu ái cho CLB của mình là Hà Nội T&T. Điều này đã từng xuất hiện dưới thời Calisto năm 2002 bị cho là lấy nhiều quân ĐT Long An nhưng thầy ngoại dễ dàng vượt qua hơn thầy nội. Ngay cả bản thân cầu thủ bị đưa vào tầm ngắm cũng khó thể hiện mình khi bị săm soi nhiều quá và điều này giống như một canh bạc may rủi cho cả trò lẫn thầy.

Thầy ngoại Calisto ít bị soi hơn thầy nội Phan Thanh Hùng dù cả hai đều ưu tiên “gà nhà”. Ảnh: XUÂN HUY

HLV nội lên nắm các đội tuyển quốc gia bắt buộc phải có một thần kinh thép, cứng rắn hơn rất nhiều lần so với khi cầm quân ở V-League. Họ phải luôn xác định và chấp nhận mọi động tĩnh của đội tuyển đều bị soi dưới kính hiển vi rồi so sánh, đánh giá theo kiểu chín người mười ý. HLV Phan Thanh Hùng ví von việc dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam như làm dâu trăm họ, là vinh dự lớn lao trong sự nghiệp của ông nhưng đi kèm là sức ép rất khủng khiếp. Nỗi lo lắng thường làm ông mất ngủ và đôi khi chấp nhận thiệt thòi lẫn chiều theo những đòi hỏi rất vô lý.

Có lần ông Hùng phải bỏ cầu thủ cả ngày chỉ để bay ra Hà Nội báo cáo cho cấp trên về tình hình của đội tuyển rồi lại vào TP.HCM chuẩn bị xuất ngoại dự giải.

Cơ hội của thầy nội có được những đối xử sòng phẳng và hợp lý như đối với thầy ngoại là không lớn. Thành công không chỉ có thầy trò đội tuyển tận hưởng nhưng chắc chắn thất bại đều trăm dâu đổ đầu tằm. HLV Phan Thanh Hùng kể hồi năm 2012 ông được chỉ đạo cần tạo ra sự kế thừa của đội tuyển ở AFF Cup cho đến SEA Games một năm sau đó, không quan trọng thành tích. Thế nhưng khi ông xây dựng bộ khung đội tuyển có đến gần 2/3 cầu thủ dưới 23 tuổi nhằm chuẩn bị cho mùa sau thì thất bại ở AFF Cup 2012 buộc ông phải từ chức đã đánh đổ đi tất cả.

Tương tự, HLV Hoàng Văn Phúc kế nhiệm một năm sau đó cũng không thành công và không thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn “bụt chùa nhà không thiêng”.

Hy vọng VFF ở thời kỳ mới sẽ tạo ra nhiều nét mới và quan trọng là tháo chiếc vòng kim cô trên đầu thầy nội thì mới mong có hiệu quả.

Thầy nội nhận việc sau tết

Cuộc họp đầu tiên của VFF với Hội đồng HLV Quốc gia đã thống nhất sẽ mời HLV trong nước huấn luyện các đội tuyển, nếu không có ai nhận mới lên phương án tìm thầy ngoại. Tuy nhiên, sau khi đưa ra những cái tên Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Thắng thì các ý kiến nghiêng về cựu HLV của SL Nghệ An. Phải đến sau tết Nguyên đán, VFF mới chính thức công bố HLV trưởng đội tuyển và ra mắt chính thức, chuẩn bị hai trận đấu thủ tục ở vòng loại World Cup 2018.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm