Chiến dịch tái chiếm Mosul (miền Bắc Iraq) kết thúc trên danh nghĩa từ tối 10-7 sau khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi thông báo quân đội đã giải phóng hoàn toàn Mosul sau chín tháng bao vây.
Chỉ thị tử thủ đến cùng
Trên thực tế, từ ngày 14-7, giao tranh lại tiếp diễn. Tàn quân IS vẫn cố thủ kháng cự trong khu vực thành cổ đổ nát. Do có lệnh cấm, các phóng viên chỉ có thể quan sát từ xa cảnh máy bay trực thăng và pháo binh bắn phá bên trong thành cổ. Các binh sĩ Iraq đi từng nhà khám xét, kiểm tra giấy tờ để truy tìm bọn tàn quân IS.
Phó Tổng thống Iraq Nouri al-Maliki cho biết có khoảng 20.000 binh sĩ và cảnh sát chết và bị thương trong chiến dịch tái chiếm Mosul. Về thường dân, cơ quan tình báo người Kurd ghi nhận có hơn 40.000 dân thiệt mạng.
Báo Le Monde ngày 19-7 tiết lộ trong chiến dịch tái chiếm Mosul kéo dài chín tháng, phải đến tháng thứ năm quân IS mới bị bao vây hoàn toàn. Tuy nhiên, ngay từ đầu trận đánh hôm 17-10-2016, thủ lĩnh IS Abu Bakr Al-Baghdadi đã chỉ thị: “Cấm rút lui. Giữ vững vị trí trong danh dự ngàn lần thảnh thơi hơn rút lui trong ô nhục”. Chỉ thị tử thủ tại Mosul đã chứng tỏ chúng quyết tâm đánh đến cùng để “tử vì đạo”.
Song thủ lĩnh IS và bộ sậu chỉ huy lại không tuân thủ chỉ thị mà đã tẩu thoát trước khi Mosul bị tái chiếm. Các tay súng IS người Iraq cũng không tuân thủ chỉ thị. Một số tên tìm đường đào tẩu hoặc đầu hàng. Chỉ còn các tay súng nước ngoài quyết chiến đến cùng.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh hiện đại của các tổ chức Hồi giáo cực đoan, chưa từng có tổ chức Hồi giáo cực đoan nào nhận được lệnh phải chiến đấu đến người cuối cùng. Trận đánh Mosul cũng là trận đầu tiên thủ lĩnh IS chỉ thị không rút lui.
Có nhiều lý do giải thích vấn đề này. Trước tiên, IS là tổ chức nổi loạn dòng Sunni ở Iraq nên mục tiêu của chúng là chiếm cứ lãnh thổ tại các khu vực người Sunni ở Iraq. Kế đến, Mosul là biểu tượng đối với IS bởi tại đây IS đã tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo ngày 29-6-2014. Cuối cùng, với quân số ít hơn, IS biết chắc sẽ thất trận tại Mosul nên cố biến thất bại thành “thắng lợi tinh thần”, biến bọn tử thủ thành “anh hùng” và chứng tỏ mất đất không có nghĩa IS sẽ diệt vong.
Ngày 18-7, các nghi can IS bị giam trong một nhà tù tạm bợ ở phía Nam Mosul. Ảnh: AP
LHQ cảnh báo
Chiến dịch tái chiếm Mosul kết thúc, báo chí quốc tế bắt đầu cung cấp thông tin nhiều hơn về các vụ tai tiếng của quân đội Iraq. Trang web Mosul Eye đã công bố một đoạn băng video trên tài khoản Twitter cho thấy các binh sĩ Iraq xô một số người xuống vực cao hơn 10 m và nổ súng bắn bồi theo. Các đoạn băng video khác cho thấy một nhóm binh sĩ đánh một cậu thiếu niên đến chết hay một binh sĩ dùng dao găm đâm người bị bắt nhiều lần vào mặt và cổ.
Báo The Guardian (Anh) đưa tin thường xuyên có nhiều xác chết vô thừa nhận tấp vào bờ sông Tigris dưới hạ lưu Mosul. Các tử thi đều bị phân hủy. Đa số bị trói tay, bị bịt mắt. Một số tử thi bị cắt xẻo. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã lên án quân đội Iraq chính là thủ phạm.
Đầu tuần trước, trước Hội đồng Bảo an LHQ, đặc phái viên LHQ về Iraq Jan Kubis cảnh báo sau khi Mosul được giải phóng, các vụ trừng phạt những gia đình bị tình nghi cộng tác với IS gia tăng. Trên toàn Iraq, các công dân bị tình nghi cộng tác với IS đã bị loại trừ khỏi xã hội, bị tịch thu nhà cửa và phải chịu nhiều hình thức trả thù khác. LHQ đã yêu cầu thủ tướng Iraq phải có biện pháp khẩn cấp để chấm dứt cách đối xử như trên.
Bộ Nội vụ Iraq thừa nhận một số binh sĩ đã có hành động không chuẩn mực, Bộ đang tiến hành điều tra và một số người đã bị đình chỉ công tác. Thủ tướng Haider al-Abadi thừa nhận một số vụ vi phạm nhân quyền đã xảy ra trong chiến dịch tái chiếm Mosul. Ông khẳng định đó chỉ là một số vụ cá biệt và cam kết sẽ trừng phạt thích đáng người vi phạm. Ông biện bạch những kẻ vi phạm làm như thế do thiếu lương tâm hoặc thông đồng với IS để bôi nhọ thanh danh chính phủ và quân đội Iraq.
Trong tháng 7, tổ chức Ân xá quốc tế đã tố cáo Mỹ và liên minh quốc tế vi phạm luật pháp quốc tế và phạm tội ác chiến tranh trong chiến dịch tái chiếm Mosul. Tổ chức Human Rights Watch cũng đã tố cáo quân đội Iraq dùng vũ lực đưa phụ nữ và trẻ em bị tình nghi cộng tác với IS vào trại cải tạo ở Bartella cách Mosul 20 km. Trại mới mở theo chỉ thị của chính phủ, làm nhiệm vụ “phục hồi tâm lý và tư tưởng” cho các gia đình có liên hệ với IS. Hiện thời trại đã tiếp nhận 170 gia đình.
Bộ Ngoại giao Pháp thông báo đang hợp tác với Iraq để xác định tình trạng một phụ nữ Pháp 27 tuổi và bốn người con (năm tháng tuổi, ba tuổi, năm tuổi và tám tuổi) bị bắt hôm 8-7 dưới tầng hầm một căn nhà đổ nát ở Mosul. Chị này cho biết từ Raqqa (Syria) sang Mosul hồi tháng 10-2015 với chồng con. Chị nói chồng không cầm súng cho IS và mất tích vài giờ trước khi chị được tìm thấy. Thật ra ngày 15-3-2016, anh chồng đã bị tòa án Pháp kết án vắng mặt bốn năm tù về tội hợp tác với khủng bố. Quân đội Iraq cũng đã bắt giữ khoảng 20 tay súng IS là phụ nữ người nước ngoài ẩn náu trong đường hầm bí mật dưới Mosul. Nhóm này gồm năm người Đức, ba người Nga, ba người Thổ Nhĩ Kỳ, hai người Canada và các công dân Libya, Syria, Chechnya. Họ có mang theo súng và một số phụ nữ đã đeo sẵn đai chất nổ. Qua ảnh đăng trên báo, gia đình bên Đức xác nhận một cô gái IS 16 tuổi người Đức là Linda Wenzel đã mất tích một năm nay. |