Báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh vụ việc Công ty TNHH MTV Dịch vụ IONE tố nhà hàng Pocpoc Beer Garden (TP Vinh, Nghệ An) vi phạm nhãn hiệu Pocpoc Beer Garden của mình. Khi cơ quan chức năng đi thanh tra thì hai bên liên quan trong vụ việc trên đã “xin thỏa thuận tự giải quyết” dẫn đến việc cơ quan quản lý dừng xử lý vụ việc.
Liên quan đến câu chuyện thỏa thuận này, LS Nguyễn Thành Long (Đoàn LS TP.HCM) đã làm rõ quy định cho phép thỏa thuận để tránh phạt vi phạm hành chính.
Nhãn hiệu Pocpoc đã được Công ty IONE đăng ký độc quyền. Ảnh: QUỲNH NHƯ
Đây là đặc thù
Thông thường việc xử phạt hành chính được áp dụng khi cá nhân, tổ chức có hành vi phạm vào các quy định, chuẩn mực mà Nhà nước đã đặt ra. Người vi phạm sẽ bị phạt nặng nhẹ tùy mức độ chứ không có chuyện “thương lượng” để khỏi bị phạt.
Cho thỏa thuận, thương lượng và dừng xử lý vi phạm là một đặc thù trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Bởi lẽ ở đây người vi phạm đã xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác. Về bản chất đây là một tranh chấp dân sự và ở hầu hết các nước đều do tòa án thụ lý, giải quyết. Nhà làm luật ở Việt Nam cũng thấy điều đó nhưng do điều kiện đặc thù ở Việt Nam hệ thống tư pháp chưa theo kịp, chưa đáp ứng được sự mong đợi của các chủ nhãn hiệu. Quá trình xét xử kéo dài, biện pháp chế tài quá nhẹ, bồi thường thiệt hại không đáng là bao...
Vì vậy mà vẫn duy trì biện pháp chế tài hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp để bảo đảm nhanh, gọn, chấm dứt ngay hành vi vi phạm mà không cần bồi thường thiệt hại.
Muốn đòi bồi thường thiệt hại thì phải kiện ra tòa, mất rất nhiều thời gian chờ đợi mới xử xong.
Thực tế linh hoạt hơn
Theo Điều 27 Nghị định 99/2013 về xử lý vi phạm sở hữu công nghiệp thì “trường hợp đơn yêu cầu xử lý vi phạm đã được thụ lý nhưng các bên trong vụ việc thỏa thuận được với nhau và đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp... thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ghi nhận biện pháp giải quyết đó và dừng xử lý vụ việc”.
Luật không quy định một thời hạn nào để các bên “thỏa thuận được với nhau”. Do đó trên thực tế, chỉ cần cả hai bên đồng ý thương lượng là cơ quan xử lý sẽ cho dừng xử lý ngay.
Trong vụ việc Pocpoc Beer Garden, hai bên đã đồng ý thương lượng nhưng đến nay thì thương lượng không thành, xem như không đạt quy định “thỏa thuận được với nhau” và cũng không thể “ghi nhận biện pháp giải quyết” nào cả nhưng thực tế thì trước đó vụ việc đã được dừng xử lý rồi.
Về nguyên tắc thì việc “dừng xử lý” như vậy đồng nghĩa đóng hồ sơ vụ việc.
Tuy nhiên, đóng hồ sơ lần này không gây hậu quả cho quyền của chủ nhãn hiệu. Nếu sau này không thỏa thuận được mà bên vi phạm vẫn tiếp tục hành vi vi phạm thì chủ nhãn hiệu vẫn có quyền yêu cầu xử lý hành chính lại và cơ quan xử lý không có lý do từ chối.
Nên thương lượng trước Quy định hiện hành cho phép chủ nhãn hiệu gửi văn bản nhắc nhở người vi phạm, cũng cho phép các bên tự thỏa thuận trong quá trình cơ quan quản lý đang thụ lý vụ việc. Kinh nghiệm cho thấy chủ nhãn hiệu nên thương lượng trước với bên vi phạm để biết thiện chí, nhu cầu của nhau. Từ đó mới quyết định tiếp tục trình tự xử lý vi phạm hành chính hay xin dừng. Trường hợp chủ nhãn hiệu bia Pocpoc vào thời điểm lập biên bản lại đồng ý cho bên kia thương lượng mà lại không kịp chuẩn bị phương án nào để thương lượng cả khiến vụ việc chưa đi đến đâu thì đã dừng lại. Khi bên vi phạm lơ đi, không thèm thương lượng thì chủ nhãn hiệu lại phải vất vả nộp đơn cho cơ quan quản lý để bắt đầu lại vụ việc. |