Trong buổi chiều làm việc hôm nay (9-5), đứng trước bục khai báo, bị cáo Ngô Kim Huệ (cháu bà Hứa Thị Phấn, nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ) đã nghẹn lời.
Huệ khai: "Ba bị cáo mất sớm nên được bà (bị cáo Phấn - PV) nuôi cho ăn học từ năm chín tuổi, sau khi học xong ra trường thì vào công ty bà làm rồi đi theo bà luôn. Bị cáo cũng không nhớ ký mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch trong hoàn cảnh nào".
Bị cáo Ngô Kim Huệ là cháu của bị cáo Hứa Thị Phấn. Ảnh: NGÂN NGA
Trả lời câu hỏi của chủ tọa: “Định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch hơn 100 tỉ nhưng sao lại đặt bút ký mua hơn 1.000 tỉ?”.
Bị cáo Hoàng Văn Toàn, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín, đáp: “Thời điểm đặt bút ký không nhớ việc này, nếu nhớ đã giật mình. Bị cáo tin tưởng tuyệt đối vào bả (bị cáo Phấn)”.
Bị cáo Toàn cũng khai ban đầu bị cáo được trả lương 36 triệu đồng/tháng, sau lên 60 triệu đồng/tháng, bị cáo cũng không được đào tạo về thẩm định giá và cũng cho biết: “Không ai có thể lấy được tiền của bà Hứa Thị Phấn”. Biên bản họp HĐQT và nghị quyết, bị cáo Toàn khai đều do bị cáo Ngô Kim Huệ chuẩn bị và chuyển cho bị cáo ký hoàn thiện.
Cạnh đó, bị cáo Trần Sơn Nam, tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Từ việc mua cổ phiếu của Ngân hàng Đại Tín nên bị cáo xin bị cáo Phấn vào làm bắt đầu từ tháng 6-2006. Trước kia bị cáo Nam làm cho một ngân hàng lương chỉ khoảng 5 triệu đồng nhưng sang Ngân hàng Đại Tín làm thì được trả 50 triệu đồng/tháng.
Chủ tọa: “Có phải vì thế mà bất cứ cái gì bị cáo cũng ký?”.
Bị cáo Nam: "Dạ không".
Chủ tọa truy tiếp: “Tại sao lại mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá hơn 1.000 tỉ?”.
Bị cáo Nam: “Để công ty đứng tên mua căn nhà khó nên để cá nhân đứng tên thì dễ hơn”.
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, VKSND Tối cao truy tố bị can Hứa Thị Phấn (71 tuổi), Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ), Ngô Kim Huệ (nguyên thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín; là cháu bị can Phấn) về cả hai tội danh: tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 3 Điều 165 BLHS 1999, có khung hình phạt tù từ 10 đến 20 năm) và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (khoản 4 Điều 175 BLHS, có khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm).
Theo cáo trạng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Tín tiền thân là Ngân hàng Nông thôn cổ phần Rạch Kiến (huyện Cần Đước, Long An). Đầu năm 2007, bị can Hứa Thị Phấn cùng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng đứng tên giúp Phấn mua hơn 254 triệu cổ phần Ngân hàng Đại Tín, tương đương hơn 2.547 tỉ đồng, chiếm gần 85% vốn điều lệ ngân hàng này.
Bà Hứa Thị Phấn giữ chức vụ cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng, có nhiệm vụ tư vấn cho thường trực HĐQT về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của Ngân hàng Đại Tín.
Bị can Phấn đã lợi dụng việc nắm giữ gần 85% vốn điều lệ, là cổ đông lớn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín… Đặc biệt, các bị cáo bị cáo buộc với hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỉ đồng (trong khi giá trị thực của căn nhà chỉ 155 tỉ đồng).
Để bán thành công căn nhà với số tiền thì có trách nhiệm của các bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín), Trần Sơn Nam (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín), Ngô Kim Huệ (nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín)...