Sau một ngày làm thủ tục phiên tòa và đọc cáo trạng, sáng 9-5, TAND TP.HCM tiếp tục đưa vụ án bà Hứa Thị Phấn bị truy tố cả hai tội danh: tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ra xét xử.
Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ con bị cáo Bùi Thị Kim Loan (đồng phạm giúp sức cho bị cáo Phấn) khi bị cáo này đến tòa khai báo, HĐXX đã bố trí phòng chăm sóc đặc biệt, có bác sĩ, y tá của bệnh viện túc trực.
Cạnh đó, tòa cũng cho ông Phạm Công Danh (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) ngồi trong phòng chăm sóc do sức khỏe kém.
Bị cáo Hoàng Văn Toàn (chủ tịch HĐQT) cho rằng chỉ làm thuê cho bị cáo Hứa Thị Phấn. Ảnh: N.NGA
Trong buổi sáng, chủ tọa xét hỏi bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín) trước.
Bị cáo Toàn khai sau khi về hưu được bạn bè giới thiệu vào làm cố vấn HĐQT Ngân hàng Đại Tín vào cuối năm 2008. Bị cáo đánh giá đây là ngân hàng nhỏ, mang tính chất nông thôn, không có rủi ro gì lớn và bị cáo cũng tìm hiểu ngân hàng không sâu. Vì đã có kinh nghiệm từng làm cho một số ngân hàng nên bị cáo Toàn đánh giá Ngân hàng Đại Tín có quy mô nhỏ.
Bị cáo Toàn khai mình được bị cáo Phấn nói đưa vào làm chủ tịch HĐQT. Bị cáo đến với tư cách làm thuê cho bà Hứa Thị Phấn, chức chủ tịch này không có thực quyền vì “bị cáo Phấn nói đây là ngân hàng của bả, bị cáo đừng xía vô sâu”. Không những thế, tất cả Ban điều hành cũng chỉ là người làm thuê.
Lúc đầu bị cáo Hứa Thị Phấn là cố vấn HĐQT nhưng chi phối mọi quyết định của Ban điều hành quản trị. “Sau này bị cáo phân vân mãi, bả không có chức danh chính thức. Bả nắm hơn 84% cổ phần thì không ai cản trở được bà ấy. Chính vì cơ chế ấy mà bả mới vận động được ngân hàng”.
Ngoài ra, cũng theo bị cáo Toàn: “Không ai có động cơ vụ lợi cá nhân để lấy một đồng nào của bà Phấn. Thực ra là tin bà ấy quá, không lẽ bả làm chủ ngân hàng mà lại làm hại ai nên nghĩ đơn giản là ký vào”.
Theo cáo trạng, liên quan đến việc Ngân hàng Đại Tín mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch gây thiệt hại cho ngân hàng này 1.105 tỉ đồng, Toàn khai có ký tên trên biên bản họp HĐQT và nghị quyết quyết định việc mua căn nhà này từ Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang với giá 1.268 tỉ đồng.
Bị cáo Toàn ký tên trên biên bản họp HĐQT chấp thuận việc hủy hợp đồng mua căn nhà trên; sau đó lại ký tên trên biên bản họp và nghị quyết quyết định việc mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỉ đồng từ Hứa Thị Phấn. Bị can Toàn thừa nhận sai phạm khi mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỉ đồng, tương ứng với trên 20% vốn điều lệ ngân hàng, mà không xin ý kiến của đại hội cổ đông, không họp HĐQT để quyết định; đầu tư khi ngân hàng vượt quá tỉ lệ mua sắm tài sản cố định vẫn quyết định mua; không kiểm tra việc thẩm định giá tài sản theo quy định của pháp luật, dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 1.105 tỉ đồng.
Cáo trạng còn cho rằng hành vi trên của bị can Toàn là làm theo chỉ đạo của bị can Hứa Thị Phấn; lúc đó bị can Phấn nắm giữ 84,92% cổ phần ngân hàng, chi phối và điều hành hoạt động của ngân hàng, chỉ đạo ngân hàng mua căn nhà trên thông qua bị can Ngô Kim Huệ (phó tổng giám đốc phụ trách xây dựng cơ bản, cháu bị can Phấn). Bởi bị can Toàn nghĩ căn nhà là của bị can Phấn, bị can Phấn cũng là chủ ngân hàng, việc mua bán có định giá của Công ty TrustAsset. Bị can Phấn cũng là người giúp đỡ Toàn nên Toàn đã bỏ qua mọi quy định của Nhà nước mà chấp thuận việc mua bán như trên. Bị can Toàn không được hưởng lợi gì từ việc mua căn nhà trên.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục. PLO sẽ cập nhật thông tin mới nhất tới bạn đọc trong các bản tin sau.