Sáng 8-5, TAND TP.HCM đã đưa vụ thất thoát 6.300 tỉ đồng tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank, tiền thân của Ngân hàng Xây dựng - VNCB) ra xử sơ thẩm. Bị cáo đầu vụ và phải chịu trách nhiệm chính về các thiệt hại của TrustBank - bà Hứa Thị Phấn đã vắng mặt.
Theo kết luận giám định pháp y, bà Phấn bị tổn thương sức khỏe 93% (do các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, thoái hóa khớp gối...). Các luật sư (LS) của bà Phấn đề nghị HĐXX trưng cầu giám định lại sức khỏe của bà Phấn và đề nghị hoãn phiên tòa nhưng HĐXX không đồng ý.
Phiên tòa ngày 8-5 vắng mặt bà Phấn.
Bà Phấn từng đề nghị thay đổi điều tra viên
Theo thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, chủ tọa phiên tòa), bà Phấn trong quá trình điều tra đã được CQĐT ra quyết định trưng cầu giám định. Bà Phấn cũng đã có kết quả giám định tình trạng giám định sức khỏe nên việc các LS yêu cầu giám định lại sức khỏe của bị cáo là không có căn cứ.
Về việc xin hoãn phiên tòa vì bà Phấn không có mặt, HĐXX nhận thấy quyết định đưa vụ án ra xét xử của tòa đã được tống đạt trực tiếp cho bà Phấn tại bệnh viện nơi bà điều trị. Cũng tại buổi làm việc này, bác sĩ điều trị cho bà Phấn xác nhận với HĐXX là bà Phấn trong trạng thái tỉnh táo song đôi khi mới tiếp xúc được...
HĐXX đã tống đạt hợp lệ với bà Phấn. HĐXX xét thấy do tình trạng sức khỏe của bà Phấn nên không thực hiện việc áp giải bà đến phiên tòa. Nhưng việc vắng mặt của bà Phấn không ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ án. HĐXX sẽ căn cứ vào tất cả chứng cứ sẽ được thẩm tra, tranh luận công khai tại phiên tòa.
Mặt khác, tại phiên tòa, bà Phấn có năm LS bào chữa nên việc vắng mặt của bà không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án và quyền lợi của bà. Do đó việc giám định lại sức khỏe và hoãn phiên tòa trong trường hợp này không được HĐXX chấp nhận.
Ngoài ra, theo thẩm phán Toản, sau khi bị khởi tố, bà Phấn có một lời khai nhưng không trình bày cụ thể và nói rằng sẽ trình bày cụ thể với CQĐT sau. Sau ba tháng, chính bà Phấn có đơn tố cáo đề nghị thay đổi điều tra viên với lý do làm việc với điều tra viên này rất áp lực, ngoài ra không còn lý do nào khác nên không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Sau đó, chính bà Phấn tiếp tục ký đơn tố cáo, kháng cáo các bản án, quyết định của tòa áp dụng với bà...
Từ các lý do trên, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử bình thường.
Bà Hứa Thị Phấn tại phiên xử Phạm Công Danh đầu năm 2016
Tòa có quyền xử vắng mặt bà Phấn
Về mặt pháp lý, LS Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn LS TP.HCM) cho biết khoản 2 Điều 290 BLTTHS 2015 quy định tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp sau: Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả. Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa. Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận. Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
TAND Tối cao đã hướng dẫn việc bị cáo bị ốm không đến được phiên tòa tại Tiểu mục 4 mục II Công văn 81/2002: Trong trường hợp bị cáo đã được giao giấy triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên tòa với lý do “bị ốm”, tùy từng trường hợp mà tòa quyết định như sau: Nếu đúng là bị cáo ốm (có bệnh án, có chứng nhận của cơ sở khám chữa bệnh,…) và sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử (như phạm tội quả tang, chứng cứ đã đầy đủ rõ ràng…), tòa có thể tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo. Nếu sự vắng mặt của bị cáo có trở ngại cho việc xét xử (như cần đối chất, cần kiểm tra một số tình tiết nào đó của vụ án) thì tòa phải hoãn phiên tòa.
Vì vậy, theo LS Ý, việc TAND TP.HCM xét xử vắng mặt bị cáo vì bị cáo bị bệnh có bệnh án và sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử là đúng theo quy định của pháp luật.
Giám định lại sức khỏe khi thi hành án?
Một vấn đề khác được đặt ra: Giả sử sau khi tòa kết án tù bà Phấn và bản án có hiệu lực pháp luật mà bà Phấn vẫn trong tình trạng sức khỏe như hiện nay thì việc thi hành án hình sự sẽ ra sao?
LS Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Nam) cho biết điểm a khoản 1 Điều 67 BLHS 2015 quy định người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong trường hợp “bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục”.
Điểm a Tiểu mục 7.1 Mục 7 Nghị quyết số 01/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn về người bị bệnh nặng là người “bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ”.
Vì vậy, theo LS Hiệp, trường hợp bà Phấn nếu thuộc trường hợp bệnh nặng có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên và nếu bắt bà đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng thì được hoãn chấp hành hình phạt tù.
Cạnh đó, thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù được quy định tại Điều 23 Luật Thi hành án hình sự 2010:
“1. Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của vện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện nơi người phải chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người phải chấp hành án làm việc ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù. Đơn đề nghị hoặc văn bản đề nghị phải được gửi cho tòa án đã ra quyết định thi hành án kèm theo các giấy tờ có liên quan.
2. Trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định”.
Như vậy, theo LS Hiệp, bệnh án của bà Phấn trong giai đoạn xét xử để phục vụ cho việc xét xử. Sau khi có bản án của tòa có hiệu lực pháp luật, chuyển sang giai đoạn thi hành án, để được hoãn chấp hành hình phạt tù, bà Phấn phải làm đơn đề nghị gửi chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành án kèm theo các giấy tờ có liên quan (bệnh án của bệnh viện cấp tỉnh trở lên) thì mới có cớ để xem xét hoãn thi hành án.
LS Hiệp cho rằng điều này cũng phù hợp ở chỗ bệnh tình của bà Phấn tại giai đoạn xét xử cho tới lúc thi hành án có thể đã có những chuyển biến khác.