Trả lời tờ Bangkok Post, Chủ tịch Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Thái Lan Meechai Ruchupan cho biết: “Chuyện cựu Thủ tướng Yingluck kháng án cùng ngày tòa ra phán quyết là không thể. Theo hiến pháp, đơn kháng án có thể được trình lên 30 ngày sau phán quyết”.
Ông Meechai nói thêm, mặc dù hiến pháp năm 2017 của Thái Lan cho phép kháng án, song các thủ tục được nêu ra trong dự luật tố tụng hình sự đối với các chính trị gia vẫn chưa được ban hành. Ông khẳng định: “Bà Yingluck ngay lập tức có quyền xin tại ngoại nhưng kết quả thì vẫn phải phụ thuộc vào quyết định của tòa”.
Nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan bị cáo buộc xao lãng trách nhiệm quản lý trong chính sách trợ giá gạo gây thất thoát hàng tỉ USD cho chính phủ. Phán quyết cuối cùng kết luận bà có tội hay không có tội sẽ được đưa ra vào ngày 25-8. Luật sư của bà Yingluck cho hay nếu bà bị tuyên có tội, bà sẽ kháng án theo hiến pháp mới.
Dự luật về các vụ án liên quan tới các chính trị gia được Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan thông qua hồi tuần trước. Có lẽ đây sẽ là dự luật đầu tiên trong 10 luật cơ bản của Thái Lan được ban hành khi không vấp phải phản đối từ các nhà soạn thảo hiến pháp hay các cơ quan hữu quan. Dự luật đang được gửi đến Thủ tướng chờ sự phê duyệt của Hoàng gia Thái Lan.
Theo hiến pháp trước đây, bị cáo là các chính trị gia chỉ được phép kháng án khi tìm ra bằng chứng mới. Còn hiến pháp năm 2017 đã loại bỏ điều kiện này. Dù vậy, đơn kháng án theo hiến pháp mới phải đệ trình lên cùng một tòa án, sau đó sẽ được một hội đồng gồm chín thẩm phán xem xét.