Vì sao dân hay nghi ngờ tài sản “khủng” của quan chức?

Có thể đưa ra vài nguyên nhân lý giải cho nỗi nghi ngờ thường trực của người dân trước những vụ việc như vậy.

Thứ nhất, do hoàn cảnh lịch sử, đa phần các cán bộ, công chức của ta đều xuất thân từ hai bàn tay trắng - đi lên từ đồng ruộng hoặc có cha mẹ làm công nhân viên chức. Rất ít người có gia sản lớn do ông cha để lại. Chưa kể đã là cán bộ, công chức thì rất ít có điều kiện để kinh doanh bên ngoài. Có nghĩa là xuất phát điểm của khối tài sản của nhiều cán bộ dường như là từ số 0 chứ không phải như ở một số nước khác: Chính khách là những người có sự nghiệp, tài sản ổn định rồi mới bước chân vào chính trị.

Thứ hai, đồng lương chính thức của cán bộ, công chức ở ta rất thấp. Điều này kéo dài qua nhiều thời kỳ và đến nay vẫn là một vấn đề nan giải. Với mức lương cơ sở hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng, nhân hệ số thì mức lương công chức trung bình, khéo co lắm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Với cán bộ, có thêm các khoản phụ cấp khác thì có dễ thở hơn nhưng cũng khó có thể trở thành giàu có.

Với hai yếu tố đặc thù trên, rất khó để giải thích cho người dân hiểu được tại sao với đồng lương còm cõi như vậy mà cán bộ của ta có nhiều tiền đến thế. Ngoại trừ lý giải: Nhiều người có tài dự báo những biến động của thời cuộc, chính sách và nhanh nhạy tích lũy một cách chính đáng qua đất, qua vàng…

Thứ ba, việc kê khai tài sản và công khai tài sản của các cán bộ, công chức thuộc diện kê khai vẫn đang ở trong giai đoạn làm từng bước, chưa đáp ứng được nhu cầu giám sát của người dân. Cụ thể, việc kê khai tài sản trước đây không đặt ra yêu cầu giải trình nguồn gốc của khối tài sản ấy. Đến năm 2013, yêu cầu này chỉ được áp dụng đối với khối tài sản tăng thêm có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Còn việc công khai bản kê khai tài sản chủ yếu trong nội bộ cơ quan, chưa được công khai tại nơi cư trú hay trên phương tiện truyền thông đại chúng. Người dân không thể biết được ông cán bộ đó có bao nhiêu tài sản nên khi “lộ mặt” số tài sản“khủng”  thì người ta dễ phát sinh nghi ngờ.

Thứ tư, hiện nay việc xử lý những dư luận về sự minh bạch của khối tài sản“khủng”  của quan chức không kịp thời, thậm chí có trường hợp không có cơ quan nào đứng ra giải đáp cho sự hoài nghi của người dân. Thường thì “người trong cuộc” tự lên tiếng giải thích. Khi đó, tiếng nói của họ với tư cách là “đương sự” cũng khó thuyết phục được dư luận.

Có thể còn nhiều nữa những nguyên nhân dẫn đến tâm lý hoài nghi của người dân trước những khối tài sản “khủng” này. Đó chính là bài toán đặt ra với những cơ quan hoạch định chính sách và thực thi pháp luật, để từ đó nghiên cứu đưa ra giải pháp nhằm kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức một cách thực chất, với sự giám sát của toàn xã hội. Khi đó, người dân sẽ mừng cho cán bộ biết làm giàu một cách chính đáng chứ không phải đặt nhiều dấu hỏi về tính minh bạch của khối tài sản ấy.

THANH HOA

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.