Quốc hội vào phiên chất vấn

Làm rõ đúng, sai tài sản “khủng” của quan chức!

Theo dự kiến chương trình, ngày mai (10-6), Quốc hội (QH) sẽ tiến hành chất vấn đối với bốn bộ trưởng, trưởng ngành là tài chính, GD&ĐT, tư pháp và Thanh tra Chính phủ. Nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng phiên chất vấn này cần làm rõ các giải pháp công khai, minh bạch trong phòng, chống tham nhũng; xác định đúng, sai đối với các dư luận về những tài sản giá trị lớn của một số quan chức... Đồng thời có những giải pháp cân đối ngân sách, nhất là trong bối cảnh Nhà nước phải tăng chi để giữ vững chủ quyền quốc gia.

ĐB DƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai):

Làm sao để không bị lệ thuộc

Làm rõ đúng, sai tài sản “khủng” của quan chức! ảnh 1
 
Tôi không có cơ hội phát biểu trong buổi thảo luận về báo cáo của Chính phủ. Nhưng rõ ràng nếu chúng ta làm tốt chiến lược biển như đã chủ trương từ lâu, thực hiện tốt chương trình đánh bắt xa bờ, trang bị phương tiện cho ngư dân và nhất là không để xảy ra đổ vỡ ở Vinashin, Vinalines thì tương quan của chúng ta ngoài biển không như bây giờ.

Về lịch sử, truyền thống chống giặc ngoại xâm là rất đáng tự hào. Song điều tự hào lớn mà ông cha ta đã làm được chính là làm thế nào để tồn tại cạnh họ mà vẫn phát triển được vì thời gian chiến tranh chỉ là một khoảnh khắc lịch sử. Ngoài giải pháp quân sự còn có cả giải pháp chính trị.

Để đứng vững thì cần phải điều chỉnh ngay một số chiến lược, chính sách không chỉ vĩ mô mà ngay trong đời sống hằng ngày để chúng ta không bị lệ thuộc. Vì thế, nếu Thủ tướng trực tiếp trả lời thì hiệu ứng về tâm lý xã hội sẽ tốt hơn.

Làm rõ đúng, sai tài sản “khủng” của quan chức! ảnh 2

Đầu tư công là một trong các nhóm vấn đề được trả lời chất vấn đầu tiên trong kỳ họp. Ảnh: HTD

ĐB CAO SỸ KIÊM (Thái Bình):

Giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho DN

Làm rõ đúng, sai tài sản “khủng” của quan chức! ảnh 3
 
Có rất nhiều vấn đề về kinh tế phải được đặt ra trong phiên chất vấn. Bởi lẽ thời gian qua những diễn biến phức tạp về tình hình biển Đông đòi hỏi chúng ta phải tập trung đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này. Chắc chắn Nhà nước sẽ phải tăng chi cho công tác bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ biển đảo, như chi cho kiểm ngư, cảnh sát biển, rồi hỗ trợ ngư dân bám biển…

Trong khi đó về nguồn thu, năm nay dù kinh tế vĩ mô đã có những cải thiện đáng kể nhưng nhìn chung DN vẫn còn khó khăn, thu ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Vậy nên các ĐB muốn Bộ Tài chính, Chính phủ nêu những giải pháp để bảo đảm cân đối được các nguồn thu chi trong thời gian tới.

Ngoài ra, một vấn đề mà cử tri cũng phản ánh và đề nghị ĐBQH chất vấn bộ trưởng Bộ Tài chính là vì sao chi cho hành chính ngày càng tăng? Tiếp nữa, vì sao việc phát hành trái phiếu Chính phủ lại chủ yếu do ngân hàng mua? Khi ngân hàng mua thì cũng có nghĩa là dòng vốn không đến với sản xuất, kinh doanh, gây ảnh hưởng đến việc tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, việc tăng các loại thuế, phí, thuế cầu đường… cũng đã ảnh hưởng đến chi phí giá thành của các DN. Chúng tôi chờ Bộ Tài chính có những thông điệp cụ thể như có xem xét việc giảm thuế, phí hay không…

ĐB BÙI THỊ AN (Hà Nội):

Công khai, minh bạch để bảo vệ làm giàu chính đáng

Làm rõ đúng, sai tài sản “khủng” của quan chức! ảnh 4
 
Việc chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ lần này là phù hợp. Trong khi tình trạng tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp thì gần đây lại xuất hiện những phản ánh về khối tài sản khổng lồ của các quan chức. Trong số đó, có tài sản của chính những người đang làm và từng làm việc ở cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Nhân dân luôn ủng hộ những người giàu lên một cách chính đáng và chỉ phản đối những trường hợp giàu có bằng cách tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Lẽ ra khi xảy ra những vụ việc như vậy, cơ quan thanh tra - nơi được coi là tai mắt của Đảng, của Chính phủ phải vào cuộc xác minh làm rõ ngay thì lại chậm chạp, thậm chí là không làm. Từ chỗ đó mà người dân băn khoăn, không rõ thông tin, không thể biết khối tài sản của quan chức đó là đúng hay sai…

Trong phiên chất vấn này, các ĐB sẽ đề cập đến nội dung trên để Tổng Thanh tra Chính phủ giải thích, làm rõ. Các ĐB cũng muốn người đứng đầu ngành thanh tra nêu ra những giải pháp cụ thể trong việc xây dựng các quy định nhằm công khai, minh bạch và kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ….

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng đã phối hợp tốt với các bộ, ngành, chính quyền địa phương giải quyết các vụ khiếu nại, khiếu kiện đông người, kéo dài nhiều năm. Theo thông tin tôi biết được thì việc giải quyết cũng đã tạo ra sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vấn đề mà ĐB, cử tri quan tâm và muốn làm rõ là qua giải quyết hàng trăm vụ việc như thế thì có bao nhiêu vụ là nhân dân phản ánh đúng, bao nhiêu vụ nhân dân phản ánh sai; bao nhiêu vụ do chính quyền làm sai, giải quyết sai và cơ chế xử lý trách nhiệm của những cán bộ giải quyết sai như thế nào.

THÀNH VĂN - BÌNH MINH

Nhóm nội dung chất vấn

Dự kiến phiên chất vấn sẽ bắt đầu diễn ra từ chiều 10-6 cho đến hết ngày 12-6. Người đầu tiên đăng đàn là Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ông Dũng sẽ trả lời chất vấn các nhóm vấn đề gồm đầu tư công, quản lý đầu tư công, giảm nợ đầu tư công, kiểm soát đầu tư công; giá cả thị trường (nhất là các mặt hàng thiết yếu); kiểm soát thuế, chống chuyển giá, chống thất thu thuế; đẩy nhanh tiến trình đổi mới DN Nhà nước.

Sáng 11-6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận sẽ trả lời về các nội dung liên quan đến chất lượng đào tạo đại học, dạy nghề; giảm tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp; đề án đổi mới giáo dục, việc thay đổi sách giáo khoa mà thời gian qua dư luận bức xúc nhiều.

Tiếp đó, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ trả lời về các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Hiến pháp mới; tình hình ban hành văn bản pháp luật; thi hành án dân sự. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng sẽ trả lời về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng; phòng, chống tham nhũng ngay trong nội bộ ngành thanh tra…

Cuối cùng, một phó thủ tướng sẽ tham gia phát biểu làm rõ các vấn đề và trả lời một số chất vấn của các ĐBQH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm