Vì sao đồng đôla đột ngột 'quay xe'?

(PLO)-  Sau một thời gian dài nằm im bất động, hiện giá mua - bán đồng bạc xanh trên thị trường đen “nóng bỏng tay" nhưng vẫn thấp hơn nhiều với giá bán tại các ngân hàng thương mại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỉ giá trung tâm ở mức 23.951 VND/USD, tăng 33 đồng so với ngày hôm qua.

Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại, giá đôla diễn biến tăng giảm trái chiều. Đơn cử, tại Vietcombank giá USD mua vào được niêm yết ở mức 23.740 VND/USD, giá bán ở mức 24.110 VND/USD, giảm 15 đồng ở cả hai chiều so với cuối giờ chiều qua.

Eximbank vẫn giữ nguyên ở mức 23.710 – 24.100 VND/USD, không thay đổi so với giá chốt phiên gần nhất. Ở chiều ngược lại, ngân hàng BIDV lại cộng thêm 10 đồng ở cả hai chiều, nâng giá giao dịch đồng đôla lên mức 23.785 – 24.085 VND/USD.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 90 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra so với cuối giờ chiều hôm qua, giao dịch tại mức 23.970 VND/USD (mua) và 24.020 VND/USD (bán). So với đầu tuần, hiện mỗi đồng đôla trên thị trường chợ đen đã tăng khoảng 160 đồng ở cả hai chiều.

Trong khi đó, cùng thời điểm này giá đồng bạc xanh tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 120 đồng, còn tỉ giá trung tâm của VND so với USD được NHNN điều chỉnh tăng thêm 103 đồng.

Dù giá bán đôla tại chợ đen tăng mạnh trong 4 ngày liên tiếp nhưng vẫn thấp hơn giá bán tại các ngân hàng thương mại từ 60-80 đồng.

Nhận định về việc tỉ giá USD/VND đột nhiên tăng mạnh, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, tỉ giá tăng mạnh trong những ngày gần đây đến từ yếu tố ngoại vi lẫn chính sách nội tại của nền kinh tế.

Cụ thể, đồng đôla cũng mạnh dần lên so với các đồng ngoại tệ khác, hiện chỉ số USD-Index đo sức mạnh đồng bạc xanh đã bật lên mức cao nhất trong vòng hơn một tháng qua. Điều này dẫn đến không chỉ riêng VND mà những đồng tiền của các quốc gia khác cũng bị giảm giá so với đồng USD.

Do đó, vào thời điểm này đồng Việt Nam cũng chịu sức ép giảm giá một phần từ yếu tố bên ngoài này.

Cùng đó, NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành, tạo dư địa để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Đó cũng là lý do khiến đồng Việt Nam bị giảm giá so với USD, qua đó gây sức ép lên tỉ giá.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng tỉ giá đang tăng cao chỉ mang tính thời điểm và sớm ổn định trở lại. Bởi đến cuối năm khi mà nhu cầu ngoại tệ tăng cao thì cũng là lúc mà kiều hối chảy về nhiều nhất trong năm, và sẽ giúp giảm áp lực tỉ giá” - ông Phương nói.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, trong 6 đầu năm, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt trên 4,3 tỉ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 65,6% so với cả năm 2022. Riêng quý II, lượng kiều hối chuyển về đạt hơn 2,2 tỉ USD, tăng 4,5% so với quý I-2023.

Lượng kiều hối chuyển về TP trong 5 năm gần đây luôn đạt mức tăng trưởng khá. Năm 2018, lượng kiều hối chuyển về đạt 4,7 tỉ USD, tăng 8,8%; năm 2019 đạt 5,45 tỉ USD, tăng 15,8%; năm 2020 đạt 6,09 tỉ USD, tăng 11,8%; năm 2021 đạt 7,07 tỉ USD, tăng 16% và năm 2022 đạt 6,6 tỉ USD, giảm 7%.

"Như vậy, nếu tính tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua, lượng kiều hối chuyển về tăng 7,6%/năm. Do vậy, cơ sở để tăng trưởng bình quân giai đoạn tới khoảng 10%/năm là khả thi" - ông Lệnh nói.

Trong báo cáo World Bank vừa công bố mới đây cho thấy, dòng kiều hối vẫn duy trì (ước đạt 2,7 tỉ USD). Tài khoản tài chính vẫn đảm bảo thặng dư do giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dòng vốn đầu tư gián tiếp vẫn ổn định…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm