NhưPLO đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) vừa khởi tố vụ án về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Cùng với đó, CQĐT đã ra quyết định khởi tố hàng loạt cựu lãnh đạo của VEAM gồm: Trần Ngọc Hà (cựu chủ tịch HĐQT, cựu tổng giám đốc), Lâm Chí Quang (cựu tổng giám đốc), Vũ Từ Công (cựu phó tổng giám đốc) và Nguyễn Mạnh Chung (giám đốc Công ty TNHH Máy kéo nông nghiệp).
Trong số trên, ba bị can Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang và Nguyễn Mạnh Chung bị bắt giam; Vũ Từ Công bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Bốn bị can vừa bị khởi tố liên quan đến các sai phạm tại VEAM. (Ảnh do Bộ Công an cung cấp)
Việc khởi tố, bắt giam đối với dàn cựu lãnh đạo VEAM được cho là không quá bất ngờ, bởi trước đó Thanh tra Bộ Công Thương đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại doanh nghiệp trên.
Điển hình là việc quản lý, sử dụng vốn của VEAM tại một số đơn vị hoạt động thua lỗ, gây mất vốn chủ sở hữu, trong đó nhà máy ô tô VEAM kinh doanh trong giai đoạn từ năm 2010 đến sáu tháng đầu năm 2018 gây mất vốn đầu tư 331 tỉ đồng.
Tại dự án này, tính đến hết năm 2018, công ty mẹ đã rót vốn cho nhà máy lên đến 2.600 tỉ đồng, trong khi dự án được quyết định đầu tư dưới 600 tỉ đồng.
Hiện tại, số xe sản xuất ra từ nhiều năm trước của nhà máy vẫn nằm trong kho, không bán được. Tổng số có tới 2.622 xe thương hiệu VEAM tồn, giá vốn lên tới hơn 966 tỉ đồng.
Trong đó có tới 2.221 xe tồn từ năm 2017 trở về trước với giá vốn là 878 tỉ đồng. Nguy cơ mất vốn lớn đối với xe tồn không thể tiêu thụ hoặc phải giảm giá bán để tiêu thụ.
Thực tế xe của nhà máy ô tô VEAM được tổ hợp từ các cụm linh kiện khác nhau từ nhiều nhà cung cấp chứ không sử dụng bộ linh kiện đồng bộ. Phương thức này đã dẫn đến VEAM không có đối tác hợp tác về sản xuất sản phẩm.
Ngoài ra, VEAM còn cho các đơn vị thành viên vay tiền tính lãi suất trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Theo điều lệ tổ chức và hoạt động, VEAM có thể lập công ty tài chính trực thuộc để thực hiện chức năng tín dụng nhưng lại không thực hiện.
Một số đơn vị VEAM cho vay, hỗ trợ lãi suất ưu đãi kinh doanh không hiệu quả. Một số đơn vị kinh doanh thua lỗ liên tục nhiều năm, mất cân đối tài chính, thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt, khả năng thu hồi vốn khó khăn.
Việc cho vay tính lãi, gia hạn nợ gốc và giảm lãi, miễn lãi của VEAM không có quy định cụ thể bằng văn bản. Một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy nhận nợ. Số tiền VEAM hỗ trợ, cho vay các đơn vị thành viên chưa thu hồi được là 595 tỉ đồng.
Thanh tra Bộ Công Thương cho rằng trách nhiệm chính để xảy ra các sai phạm trên thuộc về các chủ tịch, tổng giám đốc giai đoạn 2004-2018 gồm ông Lâm Chí Quang, ông Trần Ngọc Hà…