Sáng ngày 8-9, tại cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè (TP.HCM) đã diễn ra Lễ bàn giao mặt bằng giữa UBND huyện Nhà Bè và chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.
Lễ Bàn giao - tiếp nhận mặt bằng cầu Long Kiểng. Ảnh: ĐT. |
Sau 3 năm “đứng hình”, dự án cầu Long Kiểng đã được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc gỡ vướng để hôm nay có được mặt bằng triển khai thi công.
Theo lời của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, đây là một buổi lễ đặc biệt và duy nhất liên quan đến việc bàn giao mặt bằng ở TP.HCM. Ông Võ Văn Hoan cho biết trong hệ thống triển khai các buổi lễ ở nhiều dự án, từ trước đến nay chưa từng có Lễ bàn giao mặt bằng.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi lễ |
Trong ba năm qua, dự án đã dừng lại nhưng các hoạt động trong công tác vận động tuyên truyền của người dân trong thời điểm COVID-19, giãn cách xã hội chưa hề dừng lại. Đó là một nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương và sự chia sẻ của người dân bị ảnh hưởng của dự án, đặc biệt là sau đại dịch COVID.
Dự án cầu Long Kiểng đã được tái khởi động sau ba năm ngừng thi công. Ảnh: ĐT. |
"Tôi muốn làm một Lễ bàn giao mặt bằng để khẳng định công tác bồi thường GPMB là vô cùng quan trọng và sự đồng thuận của người dân, sự quyết tâm của nhà nước là cần thiết.
Từ đây, chúng ta tạo ra động lực, phong trào để các chủ đầu tư ở các dự án khác theo đây để nỗ lực hơn, cùng nhau vượt qua khó khăn trong công tác GPMB.
Từ đó, triển khai hàng loạt các dự án khác để kịp theo tiến độ, sớm hoàn thành các dự án thiết thực nhằm chào mừng Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước." - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch TP, từ dự án cầu Long Kiểng, chúng ta sẽ có kinh nghiệm để tháo gỡ được những nút thắt đối với công tác GPMB.
Trước hết, cần phải có sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy bởi công tác GPMB là vận động người dân, để người dân hiểu, đồng cảm với lợi ích chung. Từ đó, TP.HCM mới có thể thi công, triển khai thi công các dự án giao thông như hiện nay.
Như vậy, nếu chính quyền địa phương, cấp ủy địa phương không nâng cao công tác lãnh đạo, tuyên truyền vận động với người dân thì công tác GPMB sẽ gặp khó khăn. Do đó, sự quyết tâm, chỉ đạo của cấp ủy là vô cùng quan trọng.
Thứ hai là sự tổ chức, điều hành và linh hoạt năng động của chính quyền địa phương các cấp. Bởi khi đưa ra các cơ chế, chính sách thì đều phải xuất phát từ thực tiễn của địa phương, từ từng hộ dân. Nếu chính quyền địa phương không linh hoạt với từng hộ dân thì công tác bồi thường GPMB sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, ngoài những chính sách chung thì TP cũng cần vận động linh hoạt và áp dụng những chính sách này với những dự án khác. Ban Bồi thường GPMB của TP.HCM đã thường xuyên tổ chức đưa ra những chính sách cụ thể để hỗ trợ người dân một cách tốt nhất.
Cuối cùng là sự đồng thuận của người dân là vô cùng quan trọng. Chúng ta cần làm để người dân thấy được lợi ích chung nhưng vẫn thoả mãn lợi ích riêng thì người dân sẽ tuân thủ và chấp hành.
Theo đó, vấn đề sắp tới TP cần làm là làm sao để chính sách bồi thường sát với thị trường và nếu làm tốt thì công tác bồi thường, tái định cư việc triển khai các dự án sẽ thuận lợi hơn nhiều. Khi giá bồi thường sát với thị trường có thể làm chi phí tăng, song sẽ tạo ra mặt bằng mới trong công tác bồi thường.