Vào ngày hôm qua (2-4), Ngân hàng Nhà nước đã bơm 5.952 tỉ đồng trở lại thị trường. Đây được xem là động thái đảo chiều chính sách của Ngân hàng Nhà nước vì suốt từ ngày 11-3 đến 29-3, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hút tiền với tổng khối lượng gần 170.000 tỉ đồng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền trong thời gian qua là có lý do. Đó là việc đẩy nguồn vốn tín dụng ra nền kinh tế đang gặp khó khăn, bằng chứng là tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm âm, nên xảy ra hiện tượng thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.
Điều này càng làm cho chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD ở thị trường liên ngân hàng tăng cao và gây ra tình trạng đầu cơ tỉ giá để tìm kiếm lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, tình trạng giá vàng leo thang càng gây áp lực lên tỉ giá chợ đen do nhu cầu nhập vàng tiểu ngạch khiến tỉ giá thị trường chợ đen tăng cao. Điều này càng gây áp lực chênh lệch giá giữa thị trường ngân hàng và thị trường chợ đen và tạo áp lực cho tỉ giá chính thức.
Chính vì thế, để bình ổn tỉ giá cũng như hút bớt tiền đang dư thừa trong hệ thống về, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện động thái trên.
Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước bất ngờ bơm tiền trở lại cũng có lý do khác. Đó là vì từ ngày 25-3 đến 1-4, khối lượng chào thầu tín phiếu bắt đầu thấp đi. Có lúc Ngân hàng Nhà nước chỉ hút về được 500 tỉ đồng dù đã tăng mạnh lãi suất tín phiếu lên 2,4%.
Điều này cho thấy tình trạng căng thanh khoản đã xuất hiện tại nhiều ngân hàng. Bằng chứng nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động trở lại. Mặt khác, vào tháng 3, tăng trưởng tín dụng đã tăng trở lại sau hai tháng âm. Đồng thời, thị trường vàng, tỉ giá cũng đã ổn định.
Ngoài ra, các khoản đáo hạn tín phiếu kỳ hạn 28 ngày đầu tiên cũng sắp đến. Trong vài tuần tới sẽ có gần 90.000 tỉ đồng bơm trở lại thị trường.