Buổi trò chuyện về tiếng Việt gần 3 tiếng đồng hồ tại Hội quán các bà mẹ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
“Quan điểm của tôi là như này: Tiếng Việt ngoài tiếng phổ thông, còn có tiếng các vùng miền. Tiếng các vùng miền bình đẳng với tiếng phổ thông. Do đó tôi rất dị ứng khi xem chương trình truyền hình trên đài quốc gia, đó là chương trình "Vua tiếng Việt". Tôi nghĩ rằng khi chúng ta đặt tit “Vua tiếng Việt” là chúng ta không hiểu gì về tiếng Việt cả. Không một nhà ngôn ngữ học tài ba nào ở Việt Nam có thể hiểu hết tiếng các vùng miền…”- nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ quan điểm.
Gần 3 tiếng nói về tiếng Việt không chán
Ngày 19-2, nhiều phụ huynh và khán giả nhí đã có mặt tại Hội quán các bà mẹ từ sáng sớm để được nghe và trò chuyện cùng nhà thơ Lê Minh Quốc về tiếng Việt. Chủ đề những tưởng khô khan ấy vậy mà rất nhiều người đã ngồi lại lắng nghe, trao đổi tới gần 12h trưa.
Nhà thơ Lê Minh Quốc. Ảnh: ANH KHOA
Khách tham gia đặt câu hỏi. Ảnh: ANH KHOA
Ban đầu buổi nói chuyện chỉ dự tính kéo dài khoảng 1,5 tiếng thôi, từ 9h tới 10h30. Vậy mà nói xíu đã gần tới trưa, nhiều người chẳng chịu về. Trong không gian nhỏ, ấm cũng, họ say sưa bàn luận.
Phải nói thêm, nhà thơ Lê Minh Quốc đã lớn tuổi, ông không đẹp trai theo phong cách chuẩn “soái ca” của giới trẻ bây giờ, giọng ông lớn vang không ấm áp, nhưng nội dung cuộc trò chuyện, ý nghĩa cuộc trò chuyện, cách ông lắng nghe và trả lời, sự tham gia của các vị khách mời đã níu chân người ở lại. Có những chiếc bánh nhỏ xinh do bàn tay nghệ nhân, nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh chuẩn bị cho mọi người.
Tham dự buổi trò chuyện còn có: nhà giáo Đoàn Thị Liệp - người dạy văn bằng mấy trăm bộ áo dài, bà Ngân Hà - Giám đốc Truyền thông sách Văn Lang, bà Thanh Thuý (Hội trưởng Hội quán các bà mẹ), nhà thơ nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh, bà Võ Thị Thanh Bình (Giám đốc Trung tâm tiếng Việt Sài Gòn) cùng các em học sinh nhiều lứa tuổi. Một điều đặc biệt, gần 90% khách mời dự đều mặc áo dài, áo bà ba…
Bà Ngân Hà - Giám đốc Truyền thông sách Văn Lang chia sẻ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Nhiều ví dụ thực tế được nhà thơ Lê Minh Quốc đưa ra trong buổi trò chuyện. Chẳng hạn câu chuyện về Phố Lò Sũ (Hà Nội). “Phố Lò Sũ viết sai chính tả. Chữ Sũ mà chúng ta đang sử dụng vô nghĩa. Còn “Sủ” là quan tài chôn người chết”- nhà thơ Lê Minh Quốc nói.
Trong cuốn sách “Văn hoá Việt nhìn từ tiếng Việt” Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo, ông có giải thích rằng: “Nếu tìm hiểu từ các từ điển tiếng Việt, ta sẽ không tìm thấy từ “sũ”. Chỉ có thể tìm ra từ “sủ” (dấu hỏi). Chỉ một ví dụ nhỏ cũng khiến bao người ngỡ ngàng. Bởi cái tên gọi Phố Lò Sũ đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ.
Tôn trọng ngôn ngữ của mọi vùng miền là điều ông muốn nhắn gửi. Quan điểm của ông, ngôn ngữ phổ thông hay ngôn ngữ vùng miền đều bình đẳng. Không thể có chuyện người nói giọng Sài Gòn coi thường giọng Quảng Nam. Giọng Quảng Nam coi thường giọng Hà Nội. Ông nói, có hai người viết tiếng Việt ông tâm đắc đó là cụ An Chi và Vương Trung Hiếu.
“Trong tất cả các từ tiếng Việt, tuỳ hoàn cảnh, ngữ cảnh, mối quan hệ… mà sử dụng từ ngữ. Văn hoá Việt nằm trong tiếng Việt là ở chỗ đó”- Lê Minh Quốc chia sẻ.
Ứng xử sao với tiếng Việt “nửa nạc nửa mỡ” của giới trẻ
Một vấn đề được nhiều khách mời quan tâm hiện nay đó là tình trạng sử dụng ngôn ngữ “nửa nạc nửa mỡ” của giới trẻ hiện nay. Không ít người trẻ “chêm” thêm tiếng Anh trong những câu chuyện khi giao tiếp khiến nhiều người khó chịu, lo lắng.
Nữ sinh Ngô Triệu Vy (giữa) cùng nhà thơ Lê Minh Quốc và MC Xuân Hiếu. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Ngoài ra còn có câu chuyện sử dụng từ lóng, ngôn từ tục tĩu phản cảm nhưng không hiểu nghĩa. Nhiều khách mời nói rằng một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ học theo những ngôn từ phản cảm là do ảnh hưởng từ nghệ sĩ, danh hài. Một khách mời khác lại nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông.
Nữ sinh Ngô Triệu Vy (THPT Gia Định) chia sẻ thực tế hiện nay nhiều bạn trẻ “chêm” tiếng Anh trong ngôn ngữ giao tiếp không phải là thể hiện mà vì khó dịch nghĩa hay để phục vụ cho công việc tiếng Anh tốt hơn. Gìn giữ tiếng Việt sao khi hiện nay giới trẻ phải học, sử dụng đến 2, 3 ngôn ngữ cũng là cả vấn đề.
“Con bắt đầu viết nội dung trên mạng, là những dự án, người tiếp cận nhiều nhất là những bạn trẻ, mình phải có “bắt trend” (bắt kịp xu hướng - tạm dịch) nhất định. Phải chêm vào một vài từ tiếng Anh hoặc tiếng lóng để thu hút truyền thông và nhiều bạn trẻ hơn”. Nữ sinh đặt câu hỏi làm sao để bảo vệ tiếng Việt mà vẫn có thể thu hút được các bạn trẻ.
Nhà giáo Đoàn Thị Liệp: 'Mượn thì kiếm cái đẹp mà mượn, sao mượn cái xấu?”. Ảnh: ANH KHOA
Bà Võ Thị Thanh Bình (Giám đốc Trung tâm tiếng Việt Sài Gòn) (trái) và chị Thanh Thuý (Hội quán các bà mẹ). Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Về vấn đề này, nhiều khách mời đồng ý với quan điểm phải đọc nhiều sách để trau dồi vốn từ ngữ tiếng Việt.
“Em hãy đọc sách tiếng Việt nhiều, khi đọc những từ đó sẽ ẩn trong trí não của chúng ta. Nhất là sách kinh điển như: Truyện Kiều của Nguyễn Du. Là do chúng ta chưa đủ vốn từ tiếng Việt chứ không phải tiếng Việt không đủ ngôn ngữ để dịch. Tiếng Việt rất phong phú. Trong sách của anh lê Minh Quốc có rất nhiều ca dao tục ngữ, các em học tiếng Việt từ ca dao tục ngữ”- bà Ngân Hà - Giám đốc Truyền thông sách Văn Lang gợi ý.
Chuyện người trẻ hiện nay dùng quá nhiều từ mới, nhà thơ Lê Minh Quốc nói quan điểm của ông là không lo, bởi khi ngôn ngữ du nhập vào tiếng Việt phải trải qua sự thử thách của cộng đồng.
“Cộng đồng chấp nhận nó, nó tồn tại, nếu cộng đồng không chấp nhận nó, nó sẽ mất đi. Chỉ khi nào từ đó sử dụng trong mối quan hệ giao tiếp có tính chất lễ nghi thì mới lo còn dùng để đùa cợt thì không lo. Nếu nó không tồn tại được nó sẽ mất đi thôi, còn nếu tồn tại được nó sẽ làm phong phú tiếng Việt”- Lê Minh Quốc chia sẻ.