Báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa công bố cho thấy, nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng từ 12,6 tấn trong quý II-2021 lên 14 tấn trong quý II-2022, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại WGC, cho biết lo ngại về tình trạng lạm phát leo thang và sự suy yếu của đồng Việt Nam đã khiến nhà đầu tư tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro.
Trước đó, trong báo cáo xu hướng nhu cầu vàng quý I-2022, WGC cho biết tổng nhu cầu vàng trong quý này của người tiêu dùng Việt Nam đạt mức 19,6 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng nhu cầu vàng tiêu thụ trong nước đạt 33,6 tấn vàng.
Mặc dù nhu cầu vàng trong nước liên tục tăng nhưng đã hơn 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC và cũng không cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất vàng nữ trang.
Chính vì nguồn nguyên liệu luôn trong tình trạng khan hiếm đã khiến chênh lệch giữa thị trường vàng trong nước và thế giới ở mức cao bất thường.
Ngày 29-7, giá vàng miếng SJC ở mức 65,5 triệu đồng/lượng (mua) và 66,5 triệu đồng/lượng (bán) trong khi giá vàng thế giới hiện chỉ khoảng 50 triệu đồng/lượng. Như vậy giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới lên tới 16,5 triệu đồng/lượng.
Đối với các loại vàng trang sức 24K đang giao dịch phổ biến ở mức 52 triệu đồng/lượng cũng đắt hơn giá vàng quốc tế khoảng 2 triệu đồng/lượng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia ngành vàng cho biết: Tại những nước có thị trường vàng liên thông với thế giới thì mức chênh lệch này chỉ từ vài chục cho đến vài trăm ngàn là cùng.