Có lẽ nên học cách nhìn nhận của cố HLV Karl Heinz Weigang rằng một đội tuyển không đạt chỉ tiêu đề ra là thất bại nhưng điều quan trọng hơn là từ thất bại đó chúng ta rút ra được điều gì.
Học từ chiến thắng và cả thất bại
SEA Games 32 chúng ta đã thất bại khi bị loại từ bán kết bởi Indonesia và Asian Cup cũng thất bại, trong đó đối thủ mà chúng ta xác định phải thắng để tìm chiếc vé vớt là Indonesia thì đã thua 0-1 từ quả 11 m.
Chuyện thắng, thua Indonesia là chuyện rất dài của hai nền bóng đá nhưng cái thua ở Asian Cup cho thấy đối thủ ở cùng khu vực này đã hơn chúng ta về nhiều mặt. Hãy khoan quy kết cho HLV mà nên nhìn vào từ sau trận Việt Nam (VN) thắng Indonesia 4-0 ở vòng loại World Cup 2022 tại UAE, hai đội đã có những thay đổi gì cho một đội tuyển ở tương lai gần?
Đó là trận đấu ngày 7-6-2021 khi đội tuyển VN còn đang là đương kim vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) với một thế hệ vàng đang ở đỉnh cao trong khi Indonesia bắt đầu với một thế hệ trẻ tuổi 20-22 và sát phía dưới là một nền tảng chuẩn bị cho World Cup U-20 thế giới mà họ được trao quyền đăng cai. Đấy là lứa cầu thủ trẻ mà Indonesia không tiếc tiền với những chuyến tập huấn ở châu Âu và được sàng lọc từ nhiều học viện bóng đá.
Hơn 2,5 năm sau thì lứa cầu thủ đấy của Indonesia đã trở thành trụ cột cộng với một chính sách nhập tịch như cái cách mà Singapore từng thực hiện thành công.
Cũng hơn 2,5 năm sau trận thắng Indonesia 4-0 tại UAE thì bây giờ mới là lúc bóng đá VN làm lại. Đổ cho ông Troussier sau một thất bại (nếu tính luôn SEA Games thì là hai) thì quá dễ nhưng rõ ràng là VFF khi ký hợp đồng với ông Troussier đã đặt ra mục tiêu và những phần phụ lục rất khác với năm năm trước với người tiền nhiệm Park Hang-seo.
Con đường mới và cái nền V-League cũ
VFF muốn ông Troussier làm mới bao gồm con đường mới, con người mới, cách chơi mới nhưng nghiệt ngã là dựa trên nền tảng là một V-League rất cũ. Vì thế mà nếu trách ông Troussier thì có thể trách vì sao phần “vốn” của ông là lứa PVF mà ông có quá trình làm giám đốc kỹ thuật tại đấy nhưng ông lại nhận lời đi một con đường mới bắt đầu từ những nhân tố mới mà người hâm mộ vẫn chưa quên những cái tên cũ gặt hái nhiều thành tích suốt năm năm qua.
Thực tế thì nếu có quên những cái tên cũ thì chỉ là cái tên Trần Đình Trọng - một trung vệ tài năng nhưng bị khai thác quá nhiều và quá sức ngay cả khi mới chớm bình phục sau phẫu thuật để rồi không thể trở lại như ngày nào. Việc bóng đá VN “mất” một Đình Trọng tài năng cũng là vấn đề cần phải xem xét về nhiều mặt liên quan đến yếu tố trách nhiệm với tương lai của một cầu thủ.
Sau thất bại ở Asian Cup đã có nhiều chỉ trích lên ông Troussier nhưng VFF thì vẫn kiên định với hướng đi của ông thầy người Pháp này. VFF rõ ràng không chống lại dư luận cũng không chống lại những điều mà bầu Đức đang được cổ súy về việc lên án ông Troussier nhưng muốn bóng đá VN tiếp tục đi trên con đường đổi mới mà ông Troussier nhận nhiệm vụ với bản hợp đồng 3,5 năm cùng cái đích là vòng chung kết World Cup 2026.
Rõ ràng là không thể lấy thành tích ở top 100 thế giới hay ngôi vị số 1 Đông Nam Á để đi World Cup. Và cũng không thể lấy cái thua Indonesia, thua đối thủ ở khu vực Đông Nam Á để đòi thắng nhiều đối thủ ở châu Á và chen chân vào top 10 châu lục. Tuy nhiên hoàn toàn có thể xem lại một cách sâu sắc những trận thua, sự tiến bộ của đối thủ và sự chậm chân trẻ hóa của bóng đá VN?
Hơn hết là điều mà ông Troussier đang gặp khó đó là ông không tin vào chất lượng của V-League, chất lượng của các CLB và đó là sự thiếu đồng bộ của một nền bóng đá.
Thái Lan có những lúc thua VN về thứ hạng nhưng họ vẫn là đội tuyển từ cái nền Thai-League và các cầu thủ Thái Lan đi thi đấu ở nước ngoài, Indonesia cũng đang đi theo hướng đấy. Riêng VN thì V-League đi đàng V-League còn ông Troussier thì chưa đủ niềm tin nên vẫn cứ phải dùng người ở PVF cũ và cả hạng Nhất.
Bao giờ thì ông Troussier mới tin vào V-League, tin vào các CLB?